Ngày ấy, cách đây 16 năm, tôi vừa mới tốt nghiệp Đại học Sư phạm và chập chững bước vào nghề dạy học. Tôi được phân công về giảng dạy tại một ngôi trường cấp II – III tại trung tâm huyện lỵ. Tôi được phân công làm giáo viên chủ nhiệm lớp 9C – một lớp có nhiều học sinh cá biệt, mà mỗi khi nhắc dến, đồng nghịêp ai cũng lắc đầu ái ngại. Có người còn nói với tôi: “Thế là hết cơ hội phấn đấu rồi em ạ !”.
Những tuần học tiếp theo, công tác chủ nhiệm của tôi vẫn diễn ra bình thường. Từ ngày tôi làm chủ nhiệm, chưa có một học sinh cá biệt nào vi phạm nghiêm trọng nội quy nhà trường, duy chỉ có một em thường xuyên bỏ học không có lý do, cứ mỗi tuần em vắng đến 2, 3 buổi…Qua giáo viên chủ nhiệm trước, tôi được biết Nam (tên em học sinh vắng mặt) được xếp vào diện học sinh cá biệt, em đã từng vi phạm nội quy nhà trường là ăn cắp tiền và đánh nhau…
Bữa ấy, gần hết tiết 5 trong giờ Văn, Nam xin nghỉ tiết của tôi, vì em bảo bị đau bụng và mặt nhăn nhó ra dáng đau quằn quại, tôi đành cho em về trước. Tan trường, tôi lấy xe đạp ra về, thì chiếc xe – tài sản quý giá nhất của tôi đã không cánh mà bay. Nhớ lại những khuyến cáo của các giáo viên đi trước, tôi hướng suy nghĩ đến em Nam. Những ngày hôm sau, Nam vẫn đến trường bình thường, còn tôi vẫn làm ngơ như chưa có chuyện gì xẩy ra. Mấy bữa nay, Nam đi học chuyên cần hơn. Khoảng một tuần sau tôi có giấy gọi của Công an huyện lên nhận lại xe. Thủ phạm lấy cắp chiếc xe đạp của tôi ngồi trước mặt tôi không ai khác mà chính là em học sinh cá biệt của lớp tôi: em Nam.
Gặp tôi, Nam không nhìn mà chỉ cúi mặt gằm xuống. Tôi nói với đồng chí công an: “Đây là chiếc xe mà tôi cho em Nam mượn để em ấy đi học, còn tôi, tôi mất chiếc khác, chiếc xe cũ và xấu hơn nhiều…”.
Tôi nhận lại xe và đưa Nam về và quyết định không nói chuyện đó cho ai biết. Khi chỉ còn hai thầy trò, Nam đã ứa nước mắt, nói với tôi: “Em xin lỗi thầy, em đã lây chiếc xe của thầy đi cắm và lấy 100.000 đồng”.
Xem thêm:

Hôm sau, tôi lên nhà Nam. Hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn, bố bị bại liệt do di chứng của chiến tranh để lại, còn người mẹ của Nam thì gầy gò, ốm yếu do mắc nhiều trọng bệnh. Thu nhập của gia đình chphụ thuộc nhiều vào mấy gánh ve chai mà Nam lượm lặt được hàng ngày. Người mẹ nói với tôi, mấy tuần nay bà đau nặng, mấy hôm trước Nam có đưa về 100.000 đồng và bảo bà đi khám bệnh. Tôi còn biết được, hàng ngày Nam phải dậy từ rất sớm để đưa ve chai di nhập cho các vựa, sau đó em mới đến trường. Nhà ở xa trường, lại không có xe đạp, em phải đi nhờ xe của các bạn. Có hôm nhjâp hàng về muộ, các bạn đã đi hết, Nam phải nghỉ học.
Tôi quyết định lên phòng tài vụ nhà trường xinh ứng trước 3 tháng lương mua một chiếc xe đạp khác để làm phương tiện di dạy, còn chiếc xe mà Nam đã lấy của tôi, tôi đưa lại cho em để em có phương tiện đi học và bán ve chai. Biết được hoàn cảnh khó khăn của Nam, tôi cùng với cả lớp đã thường xuyên động viên, giúp đỡ Nam để em có thể vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống và tiếp tục đến lớp. Cuối năm học đó, Nam đã tiến bộ rất nhanh, còn lớp 9C của tôi đã không còn là một lớp cá biệt nổi tiếng nữa.
Tốt nghịêp THCS, lên cấp III, Nam vẫn học rất khá, ba năm liền em đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Năm Nam học lớp 12, tôi khuyên em nên thi vào các trường sỹ quan của Quân đội hoặc Công an, em sẽ được Nhà nước bao cấp hoàn toàn và không phái lo lắng công việc sau khi tôt nghiệp. Năm đó, Nam đã thi đỗ vào Trường Trung học Cảnh sát Nhân dân. Bây giờ em là một thiếu tá cảnh sát giao thông. Em đã xây dựng lại ngôi nhà cho mẹ và sắm được cả ô tô để làm phương tiện đi lại…
Mỗi lần đến thăm tôi, Nam vẫn thường nhắc mãi chiếc xe đạp cũ ngày xưa, em nói với tôi: “Chiếc xe đạp thầy cho em, em sẽ giữ mãi, giữ mãi, vì đối với em, nó là một vật vô giá…Nó đã giúp em vững bước vào đời”. Những lần như thế, hai thầy trò chúng tôi lại bỏ ô tô, lấy chiếc xe đạp cũ chở nhau về thăm lại ngôi trường xưa – ngôi trường từng có một em học sinh cá biệt, giờ đã trưởng thành, trở thành một người có ích cho xã hội.
Hà Trương
XEM THÊM BÀI VIẾT CHUYÊN MỤC THỂ LOẠI KHÁC
XEM THÊM BÀI VIẾT CHUYÊN MỤC KHÁC SONGGIATRI
bài viết hay và ý nghĩa quá ạ! Ước cho những thế hệ học trò sẽ thành đạt và luôn hướng về những người thầy người cô luôn dành cả tấm lòng vì trò của mình