“Trước đây, con đá bóng rất giỏi, chẳng bao giờ con nghĩ mình lại ngồi đánh cờ mà còn đánh giỏi. Nhờ có bạn Nam dạy con nên con mới được như vậy…”
Thằng Nam có cái chân bị khoèo nên nó không có bạn chơi cùng. Lũ trẻ con trong xóm khoái chơi đá bóng với đá cầu hay chơi đuổi, vì thế chúng chẳng bao giờ rủ Nam cả. Nam buồn lắm. Nhưng chẳng biết làm sao.
Ngày ngày nó lủi thủi ở trong sân, chỗ có giàn sử quân tử nở hoa đỏ, rực rỡ, khi thì đọc sách, khi thì đánh cờ một mình. Dạo chưa nghỉ hè, ngày mẹ đèo Nam đến lớp, dắt Nam vào chỗ ngồi rồi mẹ đi làm. Bố thì cả tháng mới về nhà một lần nên Nam cũng chẳng có người trò chuyện. Hơn nữa Nam thích được đến lớp, thích nghe cô giáo giảng bài.
Mấy bữa nay, thằng Tú nhà bên khi đá bóng bị ngã gãy tay nên mẹ nó không cho nó chơi trò gì cùng tụi trong xóm. Thế là ngồi chán, nó lại chạy sang nhà Nam để có người nói chuyện. Tú bằng tuổi Nam học cùng lớp nhưng vì Nam không chạy được nên nó cũng chẳng thèm chơi. Bình thường nó nghịch ra trò, nên phải ngồi thế này là một cực hình.
– Bộ mày không thấy chán à? Ngồi mãi một chỗ như vầy?
– Tao cũng thích chơi chớ, nhưng không chạy theo tụi mày được..
– Chân mày làm sao mà bị vậy?
– Tại tao hồi xưa bị sốt đó.
Câu chuyện cứ đủ thứ trên trời dưới biển như vầy. Cơ mà ngồi mãi cũng chán. Nam lôi bàn cờ rủ Tú chơi cùng. Tú không biết chơi cờ nhưng vì thông minh nên chỉ một lúc nó đã biết cách di chuyển các quân trên bàn cờ.Thế là từ hôm đó, ngày nào thằng Tú cũng sang nhà Nam chơi. Nam vui lắm vì có thêm bạn.
Xem thêm:

Hôm ấy là buổi sớm, tay Tú cũng được bác sĩ tháo bột hôm quá nên nó vui vô cùng. Mở mắt ra là nó đã tìm đường sang nhà Nam để khoe với bạn. Đang chạy chân sáo thì thấy tụi thằng Hà, thằng Tài đứng chặn ở ngõ.
– Ê, Tú, tay khỏi rồi, không đá bóng nữa à?
– Tao chưa được đá, phải đợi cả mấy tháng nữa.
– Nó chả chơi với mình nữa đâu. Tay gẫy với lại chân khoèo là một đôi, thân lắm!
– Tụi mày điên à? Sao nói thế? Mà tao chơi với nó thì sao?
– Thì tụi tao không chơi với mày nữa. Con trai gì đọc sách với đánh cờ..
Thằng Tú không nói gì. Nó hơi buồn vì bị các bạn nói thế. Nhưng nó vẫn quả quyết đi đến nhà Nam. Nhìn thoáng thấy bạn có vẻ ủ rũ, Nam sốt sắng hỏi:
– Mày chữa khỏi tay rồi, sao mày buồn vậy?
– Tụi thằng Hà không thèm chơi với tao, vì tao chơi với mày.
Nghe bạn nói thế, thì Nam cũng buồn quá. Nó không ngờ bạn chơi với mình mà bị liên lụy.
– Hay mày chơi với tụi nó. Tao quen rồi.
– Mày điên à? Tao chơi với ai là việc của tao. Rồi tụi nó sẽ hiểu thôi.

Cuối cùng thì cũng hết mùa hè. Năm học mới đến nhanh thế chứ. Năm nay, Tú xung phong ngồi cùng chỗ với Nam nên Nam cũng vui lắm. Chỉ có tụi con trai là cứ xa lánh Tú. Dù Tú đá bóng giỏi, nhưng vì ra chơi, nó cứ đòi đưa Nam ra xem tụi nó đá bóng, nên dần bọn nó cũng nghỉ chơi vì không thích Nam. Nam học giỏi, hay được cô khen, đã làm chúng hơi ghét rồi.
– Sao mày ngồi đây. Đi đá bóng đi. Kệ tao.
– Tụi nó không cho tao đá. Mà kệ tụi nó.
– Nam không nói gì. Cậu buồn ra mặt.
Hôm đó có giờ làm văn, cô giáo ra đề bài: Em hãy tả một người bạn học mà em thân thiết nhất. Hôm trả bài, ngồi trên bục giảng, cô âu yếm nhìn cả lớp rồi dịu dàng nói:
– Trong các bài văn lớp mình viết, có hai bài làm cô đặc biệt xúc động. Cô sẽ đọc cho các con nghe.
Giọng cô trầm trầm, nhưng học sinh thì lặng im không nói, bất chợt mắt đứa nào đứa đó đỏ hoe khi cô đọc đến đoạn. “Con thèm chơi với các bạn ghê lắm, nhưng các bạn đều coi thường chân con không chạy được mà không chơi. Từ dạo bạn Tú bị gẫy tay, bạn chơi cùng con rồi chúng con thân nhau. Có bạn chia sẻ niềm vui nỗi buồn, con vui lắm. Nhưng con lại buồn vì bạn tại chơi với con mà bị các bạn khác tẩy chay. Con mong các bạn chơi cùng với bạn Tú. Nếu cần, con chơi một mình cũng được.”
Đến bài của Tú cũng xúc động không kém “Trước đây, con đá bóng rất giỏi, chẳng bao giờ con nghĩ mình lại ngồi đánh cờ mà còn đánh giỏi. Nhờ có bạn Nam dạy con nên con mới được như vậy. Tuy chân bạn không đi được bình thường, nhưng bạn cái gì cũng giỏi, kể chuyện thì khỏi nói. Con chỉ hơi buồn là các bạn trong lớp tẩy chay con vì con chơi với bạn. Chân bạn yếu, có phải lỗi của bạn đâu. Các bạn như thế thật xấu. Nên cho dù bạn Nam đuổi con ra đá bóng, để bạn một mình, con cũng không làm thế”.
Cô nhìn xuống cả lớp, ai cũng cúi gằm mặt, nhất là tụi con trai. Đoạn cô lau nước mắt, nói:
– Các con, chúng ta là một tập thể. Các con cần yêu thương nhau. Tại sao chúng ta lại để bạn mình lạc lõng trong lớp chỉ vì bạn không chạy chơi được. Bạn không chạy chơi được, nhưng bạn có thể làm được nhiều thứ giỏi giang mà chúng ta phải học. Các con không được lấy đó làm cái cớ để bỏ rơi bạn. Cô mong các con hiểu, và sẽ đoàn kết với nhau hơn.
Lúc này, thằng Hà mới bẽn lẽn đứng lên, nó nhìn cô, rồi nhìn Nam và Tú. Đoạn nó nói:
– Con xin lỗi cô, xin lỗi hai bạn. Tại con đầu têu. Vì hôm bạn Tú không đi đá bóng cùng mà chúng con bị thua, nên con mới ghét bạn. Còn bạn Nam… bạn ấy… bạn ấy lần trước được điểm 10 Toán mà con chỉ được 7 nên mẹ con mắng con.
Cô giáo mỉm cười xoa đầu Hà, rồi kết thúc giờ học. Trong buổi họp phụ huynh cuối học kỳ I, các vị phụ huynh lại được nghe lại hai bài làm văn và câu chuyện của Hà. Và có lẽ, họ đã khóc.
Bạn đọc thân mến! Người lớn, thường có ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư của con trẻ. Hãy dạy những đứa trẻ biết yêu thương và bao dung, biết sẻ chia và thông cảm. Đừng đem những so sánh của chính mình, để khiến đứa trẻ trở thành những đứa bé lệch lạc về suy nghĩ và cách ứng xử.
XEM THÊM TRUYỆN NGẮN KHÁCTẠI ĐÂY
XEM THÊM BÀI VIẾT CHUYÊN MỤC KHÁC SONGGIATRI