Nguyễn Việt Hà nổi tiếng trong văn chương Việt Nam với cuốn tiểu thuyết đầu tay gây nhiều tranh cãi: Cơ hội của chúa do Nhà xuất bản Văn học phát hành năm 1999. Tác phẩm với bộn bề những nhân vật, sự kiện đã thể hiện suy ngẫm của nhà văn về nhiều vấn đề trong thực tiễn xã hội mà trọng tâm là mối quan hệ giữa trí thức và cuộc đời, về tôn giáo, mà nói như nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến “tác phẩm có những khái quát :xanh rờn””. Sau tiểu thuyết Cơ hội của chúa và thành công của tập truyện ngắn Của rơi, năm 2005, nhà văn Nguyễn Việt Hà tiếp tục cho ra đời tiểu thuyết Khải huyền muộn.
Cũng giống như sáng tác trước đó, Khải huyền muộn là một tiểu thuyết tương đối khó đọc với độc giả thông thường. Đọc Khải huyền muộn, độc giả như bị rơi vào một “mê cung” của những câu chuyện dở dang nhưng các câu chuyện này lại đan kết vào nhau để bày tỏ sự dở dang của chính nó. Với một cấu trúc tác phẩm mang “hơi thở” của cuộc sống đương đại giữa rất nhiều các sự kiện “đan xen” vào nhau và đều dang dở như chính nó, tác giả Nguyễn Việt Hà đã cố gắng thể hiện quan niệm của mình về công việc viết văn của mình, của những người giới mình. Dường như tác giả chỉ làm công việc là kể lại, viết lại chính những gì mình đang trải qua, đang làm (viết văn). Trong tác phẩm, nhà văn không đưa ra một tuyên ngôn “đao to búa lớn” về Chân, Thiện, Mỹ mà chúng ta thường bắt gặp. Đằng sau những câu chuyện dường như không có kết thúc ấy tác giả muốn nói điều gì? Sống thật khó sống và công việc viết văn là công việc không dễ dàng gì nhưng vẫn phải viết dù biết công việc viết văn ấy ẩn tàng rất nhiều may rủi nhưng vẫn phải viết vì nó là “thiên chức” của người cầm bút. Ở tiểu thuyết Khải huyền muộn, người đọc bắt gặp hình ảnh nhân vật nhà văn. Nói về các nhân vật này, Nguyễn Việt Hà cho biết đây là sự phân thân của chính mình, của bạn bè trong giới văn chương.
Và với tác phẩm của mình, Nguyễn Việt Hà đã thể hiện suy ngẫm của người trí thức về tình yêu cuộc sống, khát vọng sống chân chính và đặc biệt là gửi gắm không ít các ý tưởng nhằm nói về chuyện nghề, về công việc viết văn của chính mình, của giới mình.
Tiểu thuyết giàu tính triết luận là một biểu hiện quan trọng thể hiện sự trăn trở trong suy tư của người bút về những vấn đề của cuộc sống. Sáng tác của nhà văn Nguyễn Việt Hà đã phản ánh nhu cầu được nói lên những suy nghĩ, trăn trở của nhà văn trước những vấn đề có liên quan trực tiếp tới số phận con người, nhân đân, đất nước trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong tác phẩm, nhà văn đồng thời để lại những khoảng lặng cho người đọc tự suy người đọc tự đưa ra những câu trả lời cho riêng mình.