Người ta thường nói bố là người yêu kiếp trước của con gái. Vì vậy không ai thương yêu đứa con gái bé bỏng bằng bố. Vậy mà con gái lại chột dạ “liệu bố mình có giống như vậy không ?”
Bố chẳng phải người đàn ông thành đạt hay trí thức cao sang gì. Bố cộc tính, bảo thủ lại còn hay gắt gao về những chuyện quẩn quanh, không đâu. Bố chưa bao giờ tặng quà cho mẹ nhân lễ kỉ niệm gì cả. Bố cũng chẳng nhớ đến sinh nhật của con gái là vào ngày nào trong năm. Bố sĩ diện lắm và rất hào phóng với bạn bè mình, thế nhưng về nhà thì lại không. “Con cái đi chơi phải có mặt ở nhà trước 9h tối. Mọi việc lớn, việc nhỏ trong nhà phải được thông qua ý kiến của bố. Con cái nếu đã không thích học thì phải biết tự nuôi sống bản thân, còn đã quyết định học thì phải học cho giỏi, không được lơi bơi. Và còn nhiều, nhiều lắm”.
Con gái thường bực dọc vì sự khó tính, quản giáo của bố. Con gái cứ mãi trách bố sao chẳng thể tuyệt vời như những ông bố của bạn bè nó. Con gái thường chui rúc trong phòng đón sinh nhật một mình trong buồn lặng, có khi nó cũng quên luôn ngày nó được thêm tuổi mới. Con gái thắc mắc rằng liệu bố có thương mẹ không. Con gái giận bố vì bố cứ mãi la rầy mẹ. Nó trách bố nhiều, nhiều lắm !
Nhưng…đến khi đi học xa nhà, dần trở thành một thiếu nữ trưởng thành thì con gái mới nhận ra nhiều điều mà trước đây nó không hề biết.
Rằng…

Bố không màng đến khó nhọc, ngày ngày phơi lưng dưới nắng, dưới gió mà còng lưng làm thuê, làm mướn cho người ta để tích góp tiền gửi lên cho con gái. Bố cứ giục mẹ hỏi han con gái sống có thiếu thốn, chật vật gì không? Bố không cho con gái đi làm thêm vì sợ con cực khổ. Bố không muốn con gái phải lo lắng nhiều. Bố muốn con gái học giỏi và sống vui vẻ thôi.
Bố không hay nói nhiều, bố không biết nói lời yêu thương. Bố cũng không hay gọi điện thoại trực tiếp hỏi thăm con gái mà cứ thông qua mẹ để bắc cầu khiến con có lúc cũng cảm thấy tủi thân lắm. Nhưng ngày hay tin con gái về nhà là ngày bố đứng ngồi không yên. Gương mặt bố sáng bừng như nắng mùa hạ. Bố dặn dò mẹ đi chợ mua đồ về nấu món mà con gái thích. Bố đi tới đi lui khắp nhà rồi lại ngước mắt ra ngõ nom con gái đã về chưa. Mẹ cười bảo : “Trông bố mày như đứa con nít chờ mẹ đi chợ về vậy”.
Con gái đi học đường xa, xe máy đã cũ chẳng may bị tắt máy dọc đường nên phải dắt bộ cả mấy cây số. Hoang mang, tủi thân nên con gái gọi điện về nhà. Chỉ hai giây thôi đã nghe giọng nói ồm ồm, thân thương bên kia của bố : “Bố đây con !”. Nước mắt như chực sẵn từ trước chỉ vì giọng bố mà được dịp tuôn trào như mưa. Con gái ở bên này đầu dây mãi thút thít, kể lể đủ điều với bố. Bố im lặng lắng nghe không nói một lời. Đợi đến khi con nín hẳn và trút hết uất ức, bố chỉ đáp lại vỏn vẹn mỗi một câu: “Sao mày lắm chuyện thế ?”. Có lẽ với ai đó là sự hụt hẫng nhưng đối với con gái lại ngập tràn yêu thương đến lạ. Con gái quen rồi, đã quen lắm rồi cái câu “mắng yêu” đó của bố, nhưng lâu lắm rồi bây giờ nó mới được nghe lại.
Con gái chợt thấy lòng mình nhẹ tênh.
Một ngày kia, bỗng dưng bố tìm lên thành phố ghé thăm con gái. Chỉ dịp đó con gái mới chợt nhận ra toàn diện hình ảnh người bố lớn lao trước mắt nó đã hao mòn đến thế nào. Vai áo bố đã sờn đi nhiều. Đôi giày bố đang mang đã theo bố hơn ba năm rồi, nay đã cũ và tơi đi nhiều chỗ. Ấy vậy mà bố vẫn mặc kệ lặn lội đường xa lên thăm con gái. Da bố đen nhẻm, nhưng chỉ mỗi nụ cười của bố đã toả nắng ấm hơn cả ánh mặt trời. Bất ngờ bao nhiêu, con gái càng cảm thấy xúc động bấy nhiêu. Con gái chợt thấy thương bố đến nhường nào. Nghẹn ngào không thốt nên lời, con gái chỉ biết chạy ngay đến để ôm chầm lấy bố, dụi mặt vào bờ vai vững chãi của bố mà bật khóc. Con gái khóc, khóc rất nhiều. Chỉ ở bên bố con gái mới cảm thấy bình yên và an tâm. Thế nhưng ngày đó con gái vẫn không thể nào nói được lời “thương bố” .
Và mãi cho đến bây giờ vẫn vậy, tiếng yêu thương mà con gái còn nợ bố vẫn mãi chôn giấu trong lòng không dám nói ra.
Nguyễn Thị Cẩm Thu