“Trâu buộc thì ghét trâu ăn
Quan võ thì ghét quan văn dài quần”.
Thói ganh tị là một câu chuyện muôn thuở mà không ai muốn nhắc. Nhưng oái oăm và khổ não thay, ganh tị lại là thói xấu mà đa phần con người mắc phải.
Mới hôm qua đây thôi, đồng nghiệp của chúng tôi làm mất lòng sếp. Chị có thai đôi nên thường xuyên phải xin nghỉ đi khám thai nhiều hơn lịch nghỉ của các thai phụ khác. Hôm qua khi chị xin nghỉ phép thì phó phòng của tôi đã trợn mắt nói: “có cái thai mà hai tuần xin nghỉ một lần, lười việc kiếm cớ nghỉ thường xuyên như vậy thì còn đi làm làm gì?”. Tôi ngạc nhiên lắm về thái độ của sếp, nhưng các “thám tử bà tám” trong cơ quan đã đưa ra kết quả còn khiến tôi giật mình hơn: “Sếp nổi nóng vì sếp ganh tị với thai đôi hai cậu con trai trong bụng chị đồng nghiệp”.
Nói sếp ganh tị cũng là có cơ sở, sếp năm nay chẵn bốn chục, đường công danh thích ý, mối quan hệ cũng nhiều, thu nhập của sếp cao, chồng giỏi giang, chỉ có mỗi đường con cái là hơi mỏng. Sếp có một cô con gái năm nay mười hai tuổi, vẫn mong có thêm cậu con trai nhưng trời chưa thương nên không được. Bốn năm năm gần đây sếp liên tục tìm kiếm các phương pháp để mong có thêm cậu con cho vui nhà mà vẫn chưa thành công. Việc mình cố mãi không được, lại thấy kẻ khác đùng một cái có ngay hai đứa con trai thì hẳn là ai cũng khó chịu.
Lại quay lại với đội thám tử bà tám của cơ quan. Sở dĩ tôi biết hết những thông tin kể trên về sếp là vì đã được các tám phổ cập tận bốn lăm phút đồng hồ ăn trưa. Những thông tin dồn dập và chi tiết đến mức tôi tưởng rằng ngay cả hôm nay sếp mặc đồ kín màu gì người ta cũng biết. Những thông tin thường được kể kèm cái bĩu môi: “úi dào, bà ấy thì…”. Hóa ra không chỉ có sếp ganh tị vì thấy chị đồng nghiệp của tôi có thai quý tử. Các chị em đồng nghiệp khác cũng đang ganh tị với sếp vì sếp có quá nhiều điều hơn họ. Và họ thi nhau nói xấu, bóc mẽ để phủ nhận những thứ mà họ không có được.
Người Việt mình thật lạ! Người ta có thói quen ganh tị với những người xung quanh mình từ những chuyện nhỏ nhặt nhất. Thói ganh tị hóa thành tính ích kỉ và soi mói tọc mạch. Họ có thể để ý từng chút chuyện của nhà khác, để chờ khi người ấy có được gì đó hơn mình thì họ ngay lập tức chê bai: “trông thế thôi, chứ nó thế nọ thế kia”.
Người ta ganh tị cũng là có chọn lọc đối tượng. Ông bà xưa đã tổng kết thói xấu ấy rằng: Thua thầy một vạn không bằng kém bạn một ly! Người ta sẽ ganh tị với hàng xóm, ganh tị với người cùng cấp với mình, ganh tị với đồng nghiệp cơ quan hay đứa bạn học. Nhưng ít khi nào người ta ganh tị với người lạ hoặc những người nổi tiếng ở tận đẩu đâu. Người ta ganh với nhau từ đồng lương, nhà có bao nhiêu lầu, số con cái, hình thể ai đẹp hơn, da ai mịn, đến cả việc nhà nào nuôi mấy con chó cũng được đem ra so sánh.
Có thể hiểu một cách tích cực rằng ganh tị là một phần trong bản năng đấu tranh sinh tồn tự nhiên. Từ ganh tị người ta có thể chuyển hóa thành động lực để phát triển tốt hơn. Ganh tị cũng chỉ là sự so sánh chênh lệch để nhận biết chính mình rõ hơn. Biết sử dụng trạng thái tâm lý này thì con người ta sẽ cố gắng nhiều hơn, tiến bộ hơn và phát triển hơn. Nhưng tiếc là phần lớn chúng ta không biết lợi dụng sự ganh tị để vươn lên mà thường để bản thân chìm đắm cuốn theo nó. Ganh tị lúc này trở thành thuốc độc hại chính mình.
Những người ganh tị thường hay có thái độ hậm hực. Họ triền miên lâm vào trạng thái ức chế vì phải so sánh với người khác. Thế nhưng ganh tị lại còn gây nghiện. Việc bỉ bôi người khác khiến tâm lý của chúng ta được thỏa mãn. Khi thấy một người thành công hơn mình “rớt đài” chúng ta lại có cảm giác tâm hồn thoát khỏi xiềng xích. Nghiện ganh tị là một thói rất nguy hiểm, nó độc hại chúng ta và khiến mỗi người trở nên mất phương hướng.
“Một con tôm cá chật gì sông, một cái lông có chật gì lỗ”. Không phải nhiều người không biết đạo lý này, nhưng thói ganh tị vẫn khiến người ta khó lòng khoan dung cho người khác được.
Để thoát khỏi sự ganh tị có rất nhiều cách. Nhưng đầu tiên thì chúng ta phải dám nhìn thẳng vào chính mình. Hãy đối thoại với bản thân, ngừng việc phê phán hoặc châm chọc những người khác, chê bai không làm chúng ta tốt hơn, chỉ khiến tâm hồn thêm nhiều vết đen hơn nữa. Hãy cố gắng truy tìm nguyên nhân của sự ganh tị. Tập cách khen ngợi và cảm ơn người khác nhiều hơn nữa. Vào những lúc cần thiết, hãy thú nhận sự ganh tị của mình. Điều ấy sẽ giúp bạn khá hơn và dần dần rời xa loại thuốc độc này.
*bài viết có sự tham khảo từ các tạp chí trong và ngoài nước.
Tags: #GIÁ TRỊ SỐNG #thói ganh tị #Thói Ganh Tị Của Người Việt