Trong tất cả những thứ tình cảm có trong cuộc đời này thì tình cảm gia đình là thứ tôi trân trọng nhất.
Trong cuộc sống này, mỗi gia đình đều có cho riêng mình những kỉ niệm đáng nhớ. Những ký ức ấy gắn liền với bản thân và trở thành sợi dây gắn kết tình cảm gia đình. Còn đối với gia đình tôi thì những kỷ niệm của gia đình luôn hiện diện với chiếc xe đạp. Chiếc xe ấy tuy giản dị nhưng đã theo bước tuổi thơ tôi và là người bạn đồng đồng hành với các thành viên trong gia đình ở các thời điểm khác nhau trong cuộc đời.
Gia đình tôi gồm có bốn thành viên là bố mẹ và hai chị em tôi. Ngày tôi còn bé, chiếc xe đạp được coi là tài sản quý giá nhất của cả gia đình. Mẹ tôi dạy học tại một ngôi trường làng nhỏ bé vì thế ngày ngày mẹ thường đạp xe gần chục cây số để đến trường đi làm. Cái nhịp sống cứ tuần hoàn diễn ra như vậy, sáng mẹ đạp xe đến trường, trưa mẹ lại đạp xe về nhà. Mỗi lần bước vào đến cửa là mẹ vội bỏ cái nón ra phe phẩy cố quạt đi những giọt mồ hôi đang lăn dài trên gò má đỏ ửng bỏng rát. Mệt nhọc là thế nhưng mẹ tôi chẳng bao giờ ca thán, kêu ca đến nửa lời. Có lẽ tình yêu với bục giảng chính là nguồn động lực để mẹ tiếp tục cuộc hành trình vất vả đầy những gian truân ấy mỗi ngày…
Bố tôi đi bộ đội về rồi làm công việc tự do, ai cần việc gì thì làm việc nấy. Những buổi chiều khi mẹ không có tiết dạy ở trường tôi vui lắm, thích thú ra mặt bởi lúc tan học tôi lại được bố chở về bằng xe đạp. Khi ấy tôi sẽ không phải đi bộ về hơn ba cây số mà chỉ mới nghĩ đến thôi tôi đã thấy mệt rồi. Bố đưa tôi đi trên triền đê lộng gió, qua cả những cánh đồng lúa chín ngào ngạt hương đồng gió nội nên thơ. Vậy là với tuổi thơ tôi, chiếc xe đạp chính là hành trang để tôi theo đuổi con chữ, là hoài niệm về những ngày thơ bé được ngồi sau xe dựa vào tấm lưng ướt sũng mồ hôi mặn chát của bố – người mà tôi kính yêu nhất trên đời.

Nhắc đến chiếc xe đạp có một kỷ niệm mà có lẽ suốt cuộc đời này tôi sẽ không bao giờ quên. Hồi nhỏ có một lần tôi giận mẹ vì mẹ không cho tôi ra sông chơi cùng chúng bạn. Tôi nói với bố rằng mình sẽ không nói chuyện với mẹ nửa câu nhưng rồi những lời tâm sự thân tình mà bố dành cho tôi đã làm tôi thay đổi.
Bố tôi ôn tồn nói: “Mẹ không cho con ra sông chơi với các bạn là do lo cho sự an toàn của con. Con vốn không biết bơi, thể trạng yếu hơn các bạn vì thế ra sông chơi rất nguy hiểm.” Ngừng lại một chút bố tôi nói tiếp:“Con biết không, tình cảm gia đình cũng giống như chiếc xe đạp kia, nó được cấu tạo bởi rất nhiều bộ phận đừng vì hỏng hóc một bộ phận mà bực bội đến nỗi lãng phí bỏ đi cả cái xe. Trong gia đình không phải tranh ai đúng ai sai mà quan trọng hơn phải đặt mình vào vị trí của người khác. Con đã bao giờ đặt mình vào vị trí của mẹ con chưa? Người mẹ nào cũng luôn một lòng lo cho sự an nguy của con mình thôi.”
Lúc bấy giờ, cái bài học về gia đình ấy có lẽ đã dễ dàng thấm sâu vào tâm trí của một đứa trẻ như tôi nhờ cách ví von dễ hiểu của bố. Tôi nhanh chóng chạy đi tìm mẹ, ôm mẹ và thủ thỉ nói lời xin lỗi. Mẹ khóc, tôi cũng khóc ngon lành trong vòng tay ấm áp của Người.
Tôi hiểu ra rằng trong gia đình bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra những mâu thuẫn không đáng có hay đơn giản hơn là những giận dỗi nhỏ nhặt nhưng không thể vì thế mà làm hỏng cả một “khu vườn yêu thương” mà tất cả mọi người đã cố công gây dựng và vun đắp qua bao tháng ngày. Từ đấy về sau, tôi biết trân trọng tình cảm gia đình, lắng nghe và yêu thương gia đình mình nhiều hơn.
Xem thêm:

Sau này, khi bố mẹ tôi tuổi đã cao, chiếc xe đạp lại là công cụ để bố tôi rèn luyện sức khỏe. Mỗi buổi sáng, bố tôi lại đạp vài vòng quanh làng. Bố tôi thân thiện chào hỏi người dân trong làng, nói chuyện với những người chạy bộ buổi sáng. Với bố tôi, việc tận hưởng không khí thanh sạch của làng quê vào mỗi buổi sớm mai là thú vui tao nhã không thể thiếu được khi bắt đầu ngày mới. Hạnh phúc thường bắt đầu từ những điều giản dị ấy…
Thời gian thấm thoắt trôi đi, theo dòng chảy bất tận ấy mọi thứ đều trở nên cũ kỹ, phai màu. Chiếc xe đạp của gia đình tôi cũng không nằm ngoài quy luật vĩnh cửu ấy. Nó đã cũ, lốp xe đã mòn và lớp sơn bị bong chóc, xước mài. Vậy nhưng sau tất cả đó vẫn là thứ kỉ vật gắn với cuộc đời làm giáo viên dạy chữ của mẹ tôi, là thứ gắn liền với tuổi thơ tôi và là niềm vui của bố tôi khi về già.
Với mỗi người trong gia đình, nó không còn là thứ đồ vật vô tri mà đã trở thành thứ có hồn, vô giá mà bất cứ thứ gì dù lớn lao đến đâu cũng không thể thay thế được. Chiếc xe đạp nhắc nhở tôi về tình cảm gia đình, là sợi dây kết nối tổng hòa giữa các thành viên đồng thời gợi trong tâm trí tôi vô vàn ký ức về những năm tháng tuổi thơ bình yên, tươi đẹp được sống trong tình yêu thương của bố mẹ và được họ che chở, vỗ về…
XEM THÊM CÁC TẢN VĂN KHÁC TẠI ĐÂY
XEM THÊM BÀI VIẾT CHUYÊN MỤC KHÁC SONGGIATRI