Những năm tháng tuổi thơ là những tháng năm bình dị và tươi đẹp nhất. Để rồi khi lớn lên, người ta vẫn luôn đau đáu mơ về miền ký ức xưa, hoài niệm về một thời đã qua…
Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở vùng đất Tây Nguyên sẽ chẳng bao giờ được thưởng thức những que kem đầy sắc màu. Những đứa trẻ ấy cũng không thể biết đến thứ nước xanh xanh đỏ đỏ như những đứa trẻ thành phố hay được cha mẹ dắt đi chơi vào mỗi dịp cuối tuần.
Tuổi thơ của chúng tôi là những ngày cùng mẹ lên nương rẫy hưởng cái nắng cháy da, cháy thịt. Là những ngày trèo cây me, cây ổi chỉ để bòn mót vài quả còn sót lại cuối mùa về chấm muối ớt. Là những ngày rong ruổi khắp các cánh đồng bắt những chú bướm xinh xinh về ép vô tập sách; là những ngày… Chúng tôi đã lớn lên như thế!
Cuộc sống của mỗi một đứa trẻ vùng cao đều gắn với một loài hoa dại mang tên “Dã quỳ” (cúc quỳ) – loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên. Chẳng biết tự bao giờ, những bông hoa ấy đã hằn sâu trong trí nhớ của mỗi đứa trẻ nơi đây. Chúng tôi chẳng biết loài hoa này có ý nghĩa gì, cũng chẳng biết tại sao người ta lại gọi nó là hoa dã quỳ.
Xem thêm:
- Tản văn: Chỉ là một cây hoa

Chỉ được nghe kể lại rằng, đây là loài hoa tượng trưng cho tình yêu thủy chung, mãnh liệt của đôi trai gái vùng cao, là giai thoại buồn về tình yêu. Nhưng chúng tôi cũng chẳng mấy quan tâm đến giai thoại đó. Điều khiến lũ trẻ chúng tôi thích thú ở loài hoa này là màu sắc và hương thơm của nó. Nở vào cuối đông, khoảng tháng 11-12 dương lịch, là thời điểm gió mạnh nhất và khô nhất trong năm trên vùng núi cao này. Dẫu tiết trời có khó chịu, cau có với tất cả con người và cảnh vật nơi đây thì loài hoa này vẫn hiên ngang, sừng sững mọc lên và vàng rực cả một vùng trời.
Chúng tôi thi nhau bứt từng bông, từng bông cài lên tóc, lên áo, có khi còn hái cả một khóm để tạo thành một bó hoa mang về tặng mẹ, tặng cha. Cũng có khi chúng tôi bẻ hết cành để làm kiếm đánh nhau với lũ bạn hàng xóm. Những lúc ấy, cái mùi hăng nồng của cúc quỳ như thừa cơ hội bay ra xông vào mũi chúng tôi khiến đứa nào cũng ho sặc sụa và thở phì phò.

Không giống như các loài hoa khác tỏa hương thơm dịu nhẹ, cúc quỳ mang đến một mùi hương rất lạ, rất đặc trưng của núi rừng. Mùi hăng nồng ấy như nói lên nỗi nhọc nhằn, vất vả của những người con của vùng đất này. Họ đã phải chịu biết bao khổ cực, đắng cay nhưng vẫn kiên trì, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, hiểm trở. Họ là những người dân chân chất, thật thà, vẹn tình với làng bản, trọn nghĩa với anh em.
Bây giờ, chúng tôi mỗi đứa một nơi, đứa làm ăn tha phương, đứa học xa nhà, nhưng khi nhắc đến những kỉ niệm thời ấu thơ, đứa nào cũng nghĩ đến loài hoa mang tên cúc quỳ, loài hoa biểu tượng của núi rừng Tây Nguyên.
Giờ đây, những cánh đồng hoa cúc quỳ đã trở thành điểm đến thu hút khách du lịch thập phương, người ta thi nhau chụp những bức ảnh đẹp nhất về nó, thi nhau viết những câu chuyện hay nhất về nó. Nhưng có lẽ, đối với mỗi người con của đất mẹ hùng vĩ này, cúc quỳ là kỉ niệm, là tình người, là nơi nuôi dưỡng ước mơ của biết bao đứa trẻ vùng quê nghèo khó. Mỗi bông hoa như tượng trưng cho mỗi người con Tây Nguyên nồng hậu, hiếu khách, như mời gọi các vị khách quý phương xa bằng tình cảm nhiệt thành nhất.
Trần Bích Ngọc
XEM THÊM CÁC TẢN VĂN KHÁC TẠI ĐÂY
XEM THÊM BÀI VIẾT CHUYÊN MỤC KHÁC TẠI ĐÂY