Mỗi con người chúng ta đều có cho mình một điểm tựa, một điểm tựa để cố gắng chinh phục thử thách trước mắt, cũng như làm bệ phóng cho một bước đi dài hơn trong tương lai.
Mỗi con người chúng ta đều có cho mình một lý do để phấn đấu, cho một việc gì đó mà bản thân muốn thực hiện. Có người vì để đạt được ước mơ, có người vì muốn ba mẹ cảm thấy tự hào, có người lại đơn giản là muốn kiếm tiền, có người lại muốn được người khác tôn trọng. Rồi sau tất cả, họ vẫn miệt mài phấn đấu, nỗ lực vì lý do của chính mình, với mong muốn người thân và những người xung quanh sẽ nhìn mình bằng một con mắt khác. Kết quả là cho đến cuối cùng, họ đã thành công, bởi những gì họ bỏ ra, thời gian và cả công sức, họ xứng đáng nhận được quả ngọt.
Chúng ta, ai cũng có cách đối diện với sự thất bại khác nhau. Có người chọn cách lẫn trốn, có người chọn cách đi đâu thật xa xả stress một thời gian. Có người nhìn thắng vào vấn đề và giải quyết, cũng lại có người lại chọn cách im lặng để lãng quên. Nhưng dù là thế nào đi chăng nữa, cho đến cuối cùng, họ vẫn đứng lên từ thất bại của chính mình, dù rằng bằng cách này hay cách khác, dù trải qua thời gian dài hay ngắn ra sao.

Con người chúng ta khi đến thời điểm nào đó, sẽ thôi không mong đợi nhiều vào cách người khác nhận xét về mình, cũng không còn xem trọng hay tìm cách phản bác này nọ. Ngược lại, họ sẽ tìm cách hành động hơn là chỉ dùng một lời nói suông, hành động một cách âm thầm lặng lẽ, để ngầm chứng minh lời người khác nói là sai sự thật.
Thời điểm ấy là lúc con người dần trưởng thành, dần học cách nhìn nhận mọi vấn đề bằng một con mắt có chiều sâu. Bắt đầu xem trọng cách nghĩ của bản thân, không quan trọng cách người khác nghĩ về mình. Hằng ngày hằng giờ ra sức chứng tỏ với mọi người rằng mình có khả năng làm được việc này, có thể làm được việc kia một cách tự lực không cần sự giúp đỡ.
Điều này không có nghĩa là chứng tỏ sự hoàn hảo nơi bản thân. Con người mà đâu có ai là hoàn hảo trọn vẹn. Có thể thất bại, nhưng quan trọng là đừng bao giờ chấp nhận gục ngã sau thất bại. Mà hãy tìm cách đứng lên để giải quyết vấn đề của mình, một cách thẳng thắn và không tránh né.

Mang danh “một đứa trưởng thành” không khó đâu. Khi bạn đủ tuổi và tự kiếm ra tiền mua cho mình một ly trà sữa, một bịch tráng trộn, thì bạn đã được người khác gọi là biết tự lập và đã trưởng thành rồi. Nhưng để học cách trưởng thành thật sự cả trong suy nghĩ lẫn hành động, thì lại là một chuyện hoàn toàn khác. Dù vậy, ở bất cứ lứa tuổi nào, thì trưởng thành chưa bao giờ là muộn. Nên, chúng ta hãy học dần và trưởng thành ngay đi thôi.