Chúng ta, rồi một ngày sẽ không còn cười giòn tan như thuở bé thơ, không còn mau khóc, nhanh cười, không còn ghét yêu rõ ràng mà biết trầm tư hơn, biết nhìn xa xăm vô định, biết cách che giấu nỗi buồn, nén dòng nước mắt. Đó có phải là thứ mà người ta hay gọi là trưởng thành?

Trưởng thành trước hết là khi chúng ta học yêu thương. Thuở thơ bé còn trong vòng tay mẹ, cái sự ghét yêu thật đơn giản biết bao nhiêu. Yêu ai đó thường hay cho ta quà bánh, thường hay dỗ dành, an ủi ta, ghét ai giành đồ chơi của ta, ghét người cáu kỉnh hay mắng mỏ. Lớn lên thì cái sự ghét yêu lại phức tạp hơn nhiều khi chúng ta hiểu rằng không phải cứ ai cho ta ngọt bùi là bạn của ta, khi chúng ta biết thế nào là hai mặt, là lừa dối. Tình cảm ấy càng trở nên phức tạp hơn khi ta bắt đầu những rung động đầu đời. Đó là khi ta biết đến cảm giác trái tim rộn ràng trong lồng ngực, cảm giác tiếng một người khác hẳn tiếng mọi người, dáng hình một người khác hẳn với mọi người.
Trưởng thành là khi ta thấu hiểu những nhọc nhằn của cha, những lo toan của mẹ để biết một thứ yêu thương mang tên là chữ hiếu. Trưởng thành dạy ta biết đồng cảm với niềm vui, nỗi buồn hay khốn khó của con người, ngay cả những người ta chẳng hề quen biết.

Trưởng thành cũng là khi ta học cách đối diện với những tổn thương. Đó là một hành trình khó khăn, khi ta biết yêu thương, ta cũng đồng thời phải đối diện với những tổn thương. Tình cảm càng nhiều, càng có khả năng sát thương sâu. Đôi khi những đớn đau tưởng như vượt quá sức chịu đựng của trái tim ta, ta tự hỏi trưởng thành để làm gì? Ta ao ước được trở về tuổi thơ vô tư lự nhưng cũng đồng thời hiểu rằng đó chỉ là mộng tưởng.
Trưởng thành, ta cũng đối diện với những sóng gió, bão tố cuộc đời. Nhiều khi chỉ muốn trở về trong vòng tay cha mẹ để được an ủi vỗ về, để được chở che hay chỉ là để tạm nghỉ ngơi trong hành trình khôn lớn nhiều thách thức.
Trưởng thành là hành trình tìm kiếm bản ngã của chính mình, dằn vặt với suy tư mình là ai? Mình muốn gì? Tất cả đều đau đớn nhưng tất cả đều có nghĩa. Khi ai đó làm ta đau, người đó cũng đồng thời giúp ta hay chí ít là buộc ta học cách vượt qua nỗi đau. Đau đớn là một phần không thể thiếu trong quá trình ta trưởng thành, đau đớn giúp ta trưởng thành.
Trưởng thành trọn vẹn là khi ta biết cách vị tha. Bài học vị tha có lẽ là bài học khó nhất đối với con người. Có những người, cả cuộc đời không thể quên nỗi đau người khác đã gây ra cho mình, cố chấp, oán giận, dằn vặt, để cuối cùng không thể sống một cuộc sống bình thường.

Khi ta đã trải qua những đau thương, đã hiểu được giá trị của hạnh phúc và đau khổ, ta sẽ có thể biết đến điều mang tên là tha thứ. Chẳng phải khi ta ghét một người, điều đó cũng đang hủy hoại chúng ta, ăn mòn tích cực trong ta sao? Chẳng phải khi ta hận một người, lòng ta sẽ chẳng thể quên đi vết thương người ấy đã gây ra cho ta hay sao? Tha thứ cho một ai đó, đôi khi là tha thứ cho chính bản thân ta. Tha thứ chính là cho người khác và cả chính bản thân ta thêm một cơ hội, cơ hội để những vết thương được chữa lành, cơ hội để ta lại có thể nở nụ cười giòn tan một lần nữa trong đời.
Trưởng thành, hai chữ giản dị nhưng là cả một quá trình của đời người. Có người bình tĩnh vượt qua, có người phải trầy da tróc vẩy kinh qua, lại cũng có những người không thể vượt qua khắc nghiệt để kịp trưởng thành. Mọi thứ trên đời đều có nghĩa của nó. Hành trình trưởng thành, chính là hành trình chúng ta học thấu hiểu về hạnh phúc, trân trọng những khổ đau và biết cách gieo mầm tin yêu để sống an yên mỗi ngày.