Series 7 ngày Kế hoạch 5 bước để viết tốt hơn

Mọi người đều nghĩ rằng viết là triển khai các ý tưởng thành bài là xong. Nhưng kinh nghiệm viết content 10 năm của Trinh cho thấy người viết nên lập kế hoạch 5 bước để viết tốt hơn. Vậy 5 bước đó là gì?

Trinh tạm chia chúng thành:

Bước 1: Chuẩn bị

Bước 2: Viết nháp/ Xây dựng bản thảo

Bước 3: Sửa lỗi bản thảo

Bước 4: Rà soát chính tả

Bước 5: Xuất bản

5 bước viết này không chỉ áp dụng cho các bài viết ngắn mà hữu ích cả với các công trình viết lớn.

Chuẩn bị trước để viết tốt hơn

Bạn có bao giờ chuẩn bị trước khi viết một đề tài không? Hay mọi thứ cứ thế mà tuôn ra? Mình tin chắc mỗi người đều có sự chuẩn bị trước khi đặt bút triển khai một bài viết nào đó. Chỉ là người này có quá trình chuẩn bị rõ ràng còn người kia chuẩn bị trong vô thức mà thôi.

Chuẩn bị trước khi viết bao gồm những gì?

Chuẩn bị về kiến thức bằng cách đọc, học và trải nghiệm cuộc sống. Chuẩn bị ý tưởng cho bài viết bằng cách chọn lọc hàng chục lần trong đầu trước khi quyết định viết về đề tài ấy. Chuẩn bị về dàn ý bằng cách xây dựng những ý cơ bản cần viết về ý tưởng và chủ đề mình đã chọn ra. Chuẩn bị về mặt tâm lý để sẵn sàng biến suy nghĩ của mình thành văn bản.

Bạn đã làm bao nhiêu bước chuẩn bị?

Viết Nháp – Bước dễ nhất trong quá trình viết

Mình từng nghe một câu nói: “Trong sáng tác, viết là bước dễ nhất trong toàn bộ quá trình”. Thật vậy, để viết một tác phẩm nào đó việc gõ phím hay đặt bút cho chữ tuôn ra là đơn giản nhất. Bởi quá trình này là quá trình chúng ta “vắt” hết những suy nghĩ trong đầu thành con chữ.

Mình gọi việc viết con chữ lên là quá trình xây dựng bản thảo, và chỉ là bản thảo hoặc bản nháp thôi. Vì không phải chỉ viết các con chữ ra là mọi thứ xong xuôi rồi. Sau khi viết mới là giai đoạn nặng nhọc nhất.

Khi viết bạn đừng ngần ngại gạch ra các ý tương tự nhau. Nếu muốn sử dụng hai từ ngữ khác nhau ở một chỗ mà bạn phân vân không biết dùng từ nào thì cứ mở ngoặc ra và để chúng cùng nằm một chỗ.

Sửa lỗi bản thảo

Như mình đã nói ở trên, hầu hết mọi người đều nghĩ viết xong là xong rồi. Nhưng thực tế phũ phàng cho thấy những bài chúng ta viết ra chỉ là bản nháp mà thôi. Nếu không có sự chỉnh sửa thì nó vĩnh viễn là bản nháp. Những bản nháp dù trọn vẹn cũng vẫn chứa sạn và cần chúng ta sửa lỗi để trở thành bản thảo hoàn chỉnh.

Sửa lỗi bản thảo là làm những gì?

Thứ nhất là lỗi về mặt logic của bản nháp chúng ta đã viết ra. Đoạn đầu và đoạn cuối đã ăn khớp nhau chưa? Tư duy của đoạn giữa và mở bài có sai lệch gì không? Câu trên và câu dưới có sự liên kết với nhau không? Tất cả nội dung đều đang đi theo một đường thẳng và diễn tả đúng ý của bạn chứ?

Thứ hai là tính đúng sai. Nhiều trường hợp người viết nhầm lẫn về mặt kiến thức. Chúng ta cần rà soát lại để tránh những lỗi sai này. Đừng để bài viết của mình được ra mắt mà nội dung mắc những lỗi sai hiển nhiên như: “Con gà là sinh vật phổ biến ở sao Hỏa, chúng có 4 chân và thở bằng mang” nhé.

Thứ ba là cách dùng từ, việc rà soát lại bản nháp giúp chúng ta nhặt ra những từ ngữ mang sạn. Thay thế từ trong bước sửa lỗi khiến cách dùng từ của bạn đúng hơn, đắt hơn và nâng cấp bài viết.

Rà soát chính tả

Sau khi sửa hết các lỗi nội dung hãy tìm các lỗi chính tả trong bài của bạn. Bài viết càng đúng càng được đánh giá cao. Lỗi chính tả không chỉ là lỗi mặt chữ đâu nhé. Lỗi đặt câu, lỗi ngữ pháp, lỗi lạm dụng dấu câu cũng đặc biệt quan trọng đấy. Và những lỗi này chúng ta thường xuyên mắc, vì vậy các bạn phải chú ý nhiều tới chúng nhé.

Xuất Bản

Người viết thì chỉ viết thôi chứ, còn quan tâm đến xuất bản làm gì?

Ôi! Nếu bạn đang nghĩ vậy thì kỹ năng viết lách của bạn sẽ không nâng cao được đâu. Mọi bài viết đều cần được độc giả thẩm định. Và muốn độc giả thẩm định bạn sẽ phải chú ý nhiều hơn đến khâu xuất bản. Ví dụ như chèn ảnh minh họa vào bài, đăng bài có canh lề hai bên. Phân tách các đoạn với nhau, chỉnh sửa cỡ chữ cho vừa mắt người đọc. Những điều rất nhỏ như vậy giúp người đọc tiếp cận bài của bạn tích cực hơn.

Quá trình viết bao gồm rất nhiều bước. Ngoài việc xác định mục tiêu thì bạn cũng nên xây dựng kế hoạch để viết tốt nhé. Hy vọng bài viết này có ích cho quá trình viết của bạn.

Đinh Lê Tuyết Trinh

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
1 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
trackback

[…] với những nỗi buồn. Cuộc sống vốn dĩ luôn ẩn chứa nhiều điều bất ngờ. Căng thẳng thường đến từ những khoảnh khắc không như ý thường ngày tạo tâm lý bức […]