“Vì cậu cả ngàn lần rồi!
Người đua diều- không chỉ đơn thuần là một câu chuyện dài của thời gian gói mình trong những mảnh đời bé nhỏ, mà còn là tiếng lòng của một con người đang ôm nỗi hoài niệm đầy nuối tiếc trước những điều đã trôi qua!”
Dành cho những ai chưa từng đọc qua quyển sách này, bạn có thể sở hữu ngay cho mình “Người đua diều” bằng cách nhấp vào đây.
Tôi xin nêu ra một câu trích dẫn trong tác phẩm, đó là câu nói khiến tôi day dứt khôn nguôi khi lật đến trang sách cuối cùng. Người đua diều – không chỉ đơn thuần là một câu chuyện dài của thời gian gói mình trong những mảnh đời bé nhỏ. Đó còn là tiếng lòng của một con người đang ôm nỗi hoài niệm đầy nuối tiếc trước những điều đã trôi qua!
Bạn có từng hối hận khi nhìn về quá khứ bởi những việc làm của bản thân mình? Tôi vẫn còn nhớ bài giáo dục công dân ngày cấp ba của tôi khi học về luật, đó là sự phân chia những độ tuổi khác nhau và cách chịu trách nhiệm của từng giai đoạn.
Tôi chưa nghe vụ tử hình hay mức án chung thân cho một đứa trẻ chỉ vì nó làm sai cả, lý do đơn giản rằng nó chưa đến tuổi thành niên để sẵn sàng nhận mọi mức phạt. Nhưng nếu bạn có một lần đọc qua Người đua diều, bạn sẽ thấy được hình phạt cho một đứa trẻ trong tuổi thơ đã vô tình làm việc sai trái. Đó chẳng phải bản án khổ sai nào đâu mà chỉ là nỗi đau đáu khắc khoải khi nhìn về quá khứ mình của một người đã trưởng thành thật sự.

Theo văn phong của tác giả Khaled Hosseini, con người ta hoàn toàn có thể tìm về với những ranh giới giữa con người và con người, giữa tôn giáo và tôn giáo. Thực tế rất nhiều cá nhân đặt tôn giáo lên trên tình người vì theo đuổi những luật lệ của tôn giáo. Họ nuôi trong mình bản chất của sĩ diện để vì vậy mà im lặng với mọi sự thật cho đến phút cuối đời. Người đua diều đã vẽ ra chân dung toàn cảnh cho cuộc đấu tranh tinh thần quyết liệt ấy! Một cuộc chiến không khoan nhượng.
Bạn có còn nhớ nạn phân biệt chủng tộc A-pác-Thai đã đẩy bao nhiêu sinh mạng da màu xuống địa ngục trần gian? Đó hẳn là một vấn nạn lớn nên được nhiều người biết đến. Tôi tự hỏi thế còn sự phân biệt tầng lớp người nơi những quốc gia bé nhỏ, nơi pháp luật chỉ ở trên bàn giấy thì liệu rằng ai sẽ lên tiếng can thiệp? Rồi bạn sẽ thấy tác phẩm chính là sự minh chứng bằng ngôn từ rõ ràng nhất, cho những số phận mà khi sinh ra đã ẵm trọn giai cấp chính mình, để rồi lúc chết đi cũng bởi vì giai cấp đó ràng buộc!

Khi tôi còn nhỏ vẫn thường hay đọc truyện cổ tích, cái câu “Ở hiền gặp lành” đã quen thuộc với tôi không biết tự bao giờ. Nhưng càng lớn lên, tôi lại càng thấy những người luôn cố sống một đời hiền lương thì lại gặp một cái kết không mấy tốt đẹp. Cũng chính tôi đã nhìn thấy những số phận bất hạnh ấy thông qua cuốn sách. Phải chăng tạo hóa muốn thử thách lòng nhân đức của họ? Hay tạo hóa muốn đưa họ sớm rời khỏi thế giới loài người đầy rẫy mưu mô, toan tính để đến vùng đất lành nào ư? Tôi đã thật sự nghẹn ngào tức giận cho sự trái ngăn từ những mảnh đời ấy , tôi biết cuốn sách đã viết nên sự thật về một khía cạnh ngầm nào đó của xã hội. Những chấm đen tinh vi trên tấm màn trắng!
Người đua diều không đem đến một câu chuyện dạt dào cảm xúc nhưng chính nó lại khắc họa cho con người liên tục liên tưởng đến cảm xúc. Tôi tin nó phù hợp với những bạn trẻ đang cố tìm một khoảng riêng tư thuộc về mình. Nó cũng phù hợp để dành làm quà tặng vì nhìn chung, Người đua diều cũng thuộc hàng tác phẩm văn học có tiếng ở Mỹ. Với tôi, nó rất tuyệt vời bởi những câu từ tuy giản dị nhưng chạm được đáy sâu của lòng người. Một cuốn sách rất đáng để đọc và học hỏi!