“Tuổi thơ dữ dội” là một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Phùng Quán. Truyện được khởi thảo năm 1968 và hoàn thành năm 1986. Truyên xoay quanh cuộc sống chiến đấu gian khổ và cả sự hi sinh anh dũng của những thiếu niên chỉ mới 13, 14 tuổi trong hàng ngũ của Đội thiếu niên trinh sát của trung đoàn Trần Cao Vân.
Truyện cho độc giả sống lại những năm tháng hào hùng, bi thương của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, cả nước đứng lên chống giặc, từ người trẻ đến người già, từ nam đến nữ, từ nông dân, công nhân đến trí thức, tiểu tư sản yêu nước,… và tất nhiên có cả những thiếu niên trẻ tuổi. Đó là Mừng – một đứa trẻ nghèo, mẹ bệnh suyễn nặng và bị người cha nuôi lợi dụng bóc lột. Đó là Quỳnh “sơn ca” – con trai của phó tổng trấn Trung Kỳ, bỏ nhà đi Vệ quốc Đoàn. Đó là Lượm – sinh ra trong gia đình cách mạng nòi… Tuy xuất thân khác nhau nhưng họ đều có lòng nồng nàn yêu nước, căm thù sâu sắc với kẻ thù xâm lược và ý chí quyết tâm chiến đấu giành lại độc lập tự do cho đất nước.
Họ đã phải trải qua một tuổi thơ “dữ dội”. Hai tiếng ấy thu gọn trong mình nó tiếng bom đạn chiến tranh, tiếng khóc, những bi thương và mất mát nhưng vẫn vang vọng, bi tráng và đậm màu sắc anh hùng ca. Dữ dội thế nhưng họ chưa từng chùn bước, cho dù có phải đổ máu, thậm chí là hi sinh cả tính mạng. Dữ dội thế nhưng họ vẫn cất vang tiếng hát : “Ra đi ra đi bảo toàn sông núi. Ra đi ra đi thà chết không lui”. Đâu đó trong họ vẫn là sự hồn nhiên, ngây ngô, láu lỉnh của tuổi nhỏ nhưng cũng đầy dũng cảm và suy tư.
Có lẽ chi tiết cuối truyện đã lấy đi nước mắt của nhiều độc giả nhất. Đó là khi Mừng bị nghi ngờ là gián điệp, bị mọi người quay lưng. Em cất lên những tiếng vô vọng phản kháng. Nhưng không vì thế mà em bỏ cuộc. Em vẫn chiến đấu anh dũng. Trước lúc hi sinh, em vẫn nói với trung đoàn trưởng: “Anh ơi, anh đừng nghi em là Việt gian nữa anh hí”.
Câu chuyện kể về những thiếu niên nhưng có lẽ phù hợp cho tất cả độc giả. Đối với những người lớn tuổi, họ như được sống lại những trang sử thi bi tráng mà hào hùng của đất nước, như thấy mình trong những nhân vật ấy. Đối với những người trẻ, truyện giúp họ thêm yêu quê hương, đất nước, biết ơn những người đã hi sinh vì độc lập tự do của dân tộc, từ đó có trách nhiệm hơn trong việc xây dựng, cống hiến cho Tổ quốc ngày càng giàu đẹp.
Lê Thúy Uyên
Xem thêm Review Tác Phẩm Kinh Điển tại đây.
Xem thêm bài viết của tác giả tại đây.
Tags: #Lê Thúy Uyên #review sách #Review sách Kinh điển: Tuổi thơ dữ dội – Phùng Quán #sống giá trị