“Hảo hán nơi trảng cát” – Một Brazil với đầy những câu chuyện ẩn mình nơi trảng cát.
Khi vừa đọc tựa đề, suy nghĩ của bạn là gì? Một anh hùng hảo hán chuyên đi giúp đỡ những người hoạn nạn và được mọi người yêu quý, kính trọng? Một nam tử hán đại diện cho chân lý và ánh sáng, dám làm dám chịu? Nhưng không! “Hảo hán nơi trảng cát” là những đứa trẻ mồ côi trên đất Brazil kiếm sống từng ngày bằng nghề trộm cắp. Những đứa trẻ đó không đại diện cho công lý, không giúp đỡ mọi người, chúng chỉ biết sống lang thang và giành giật cho mình sự sống bằng con đường không chính nghĩa.
Nhưng sao lại đặt tựa đề như vậy, hẳn tác giả đã có một ẩn ý cay đắng nào đó về những đứa trẻ chuyên trộm vặt, bản chất thực sự của chúng và nỗi thống khổ mà chúng bị đay nghiến mỗi ngày. Cuốn sách kể về những đứa trẻ do Pedro Bala cầm đầu, cậu thanh niên mồ côi bố. Sau cậu là một loạt các tay chân như Cẳng Nhũn, Gã Mèo, Giáo Sư, Joao Gộc, Mạch Nha. Những đứa trẻ được miêu tả với những tính cách và hoàn cảnh khác nhau, song chúng đều không có chỗ dung thân. Có đứa vẫn giữ được sự ngoan ngoãn và trong sáng của một đứa trẻ, nhưng số khác lại phải buộc mình trở nên hung hãn và ranh ma để có thể tồn tại trong những khu ổ chuột. Chúng đều là những đứa trẻ phải chịu sự tổn thương và dè bỉu.
Xem thêm:

Jorge Amado đã dùng những cái tên thân thương để gọi những đứa trẻ này. Có thể người đời sẽ không tôn trọng chúng, thậm chí có thể sỉ vả chúng là lũ trộm cắp. Nhưng Jorge Amado đã thông cảm nhìn vào sự thật cuộc sống của chúng, đều bắt nguồn từ xã hội bất công đẩy chúng vào con đường cùng và không cho chúng cơ hội làm lại, là những vị chức trách chối bỏ trách nhiệm của mình đối với những đứa trẻ mồ côi.
Thế nhưng, vượt lên trên tất cả, những đứa trẻ ấy vẫn đầy khao khát và ước mơ, nhiệt huyết và sẵn sàng đối đầu với cuộc sống này. Vì dẫu sao, đó vẫn là những đứa trẻ, vẫn có vô vàn cánh cửa tương lai mở, chúng vẫn là những mầm non cần nảy nở và sẵn sàng nảy nở, đấu tranh để có cuộc sống tốt đẹp, cuộc sống mà chúng xứng đáng có được. Đó là điều mình rất thích ở “Hảo hán nơi trảng cát” nói riêng và văn học Nam Mỹ nói chung.

Cách kể chuyện của Jorge Amado rượm mùi cát và những đứa trẻ rám nắng chạy trên những khu ổ chuột. Không ai sinh ra được lựa chọn số phận của mình, nhưng ta có thể lựa chọn cách để thay đổi nó. Đây là câu chuyện thấm đẫm triết lý và một chút sự thật đằng sau những vẻ hào nhoáng của Brazil. Đó chính là đặc trưng của văn học Nam Mỹ khiến chúng ta phải đọc đi, đọc lại, đọc rất nhiều lần mới nghiệm ra điều kỳ diệu qua từng con chữ và thốt lên: “À, thì ra là thế đó, bản chất của cuộc sống là vậy, không giống như những gì mắt vẫn nhìn, tai vẫn nghe.”
XEM THÊM BÀI VIẾT REVIEW SÁCH
XEM THÊM BÀI VIẾT CHUYÊN MỤC KHÁC CỦASỐNG GIÁ TRỊ