Sự thành công của một loạt các sáng tác tiểu thuyết lịch sử trong đời sống văn học đương đại đã trở thành đề tài tranh luận của nhiều nhà nghiên cứu phê bình về các vấn đề như ranh giới của một cuốn sách về lịch sử và một tác phẩm tiểu thuyết, vai trò của hư cấu, có hay không tính chân thực ở một cuốn tiểu thuyết lịch sử, v.v
Trên tinh thần của kịch bản Hội thề đoạt giải A trong Cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện lịch sử Thăng Long, nhà văn Nguyễn Quang Thân đã viết tiểu thuyết Hội thề suốt gần bốn năm trời (từ 9 – 2004 đến 3 – 2008). Hội thề đã cho thấy một cách nhìn, cách quan niệm lịch sử của nhà văn. Nguyễn Trãi được Nguyễn Quang Thân khắc họa như một điển hình của sỹ phu Bắc Hà, nho nhã trong từng lời ăn tiếng nói. Trái lại, các tướng lĩnh Lam Sơn, qua sự tái hiện của nhà văn, là những người mang đậm tính cách võ biền, ít học, thô lỗ. Cuốn tiểu thuyết vẻn vẹn 300 trang thêm một lần nữa đem đến cho người đọc một cách hình dung về nhân vật lịch sử đặc biệt là hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Với một sáng tác đầu tay, tác giả Kiều Thanh Tùng đã chọn thể loại tiểu thuyết lịch sử làm “mảnh đất” để thể hiện những suy nghĩ riêng của mình trong cách biểu hiện đề tài. Ở Sắc đẹp khuynh thành, nhà văn chú trọng vào việc miêu tả một loạt các nhân vật lịch sử trong thời điểm chuyển giao giữa hai triều đại Lý – Trần, đặc biệt là hình ảnh Trần Thị Thu Ngừ (Trần Thị Dung). Nhân vật lịch sử hiện lên gần gũi với những chi tiết đời thường hàng ngày, có tính đời tư như việc ăn, uống, tắm giặt, v.v. với cách nói năng mang khẩu ngữ dân giã của người bình thường.
Trong xu hướng cách tân, đổi mới tiểu thuyết lịch sử đương đại, đến với lịch sử bằng cái nhìn mang nặng dấu ấn của sự hư cấu cá nhân như Sắc đẹp khuynh thành cũng là một hướng tiếp cận lịch sử hết sức mới mẻ, ít nhiều tạo nên sự thích thú trong tâm lý tiếp nhận của bạn đọc yêu văn học.
Giàn thiêu là tác phẩm tiểu thuyết lịch sử tiêu biểu. Trong Giàn thiêu, người đọc không bắt gặp hình mẫu lí tưởng một con người duy nhất trong hình ảnh của những nhân vật lịch sử như Nguyên Phi Ỷ Lan, nhà sư Từ Đào Hạnh. Đằng sau ánh hào quang của hình tượng mang tính “ngưỡng vọng” trong tiềm thức nhân dân, những cá nhân lịch sử hiện lên đa chiều với những mâu thuẫn giằng xé giữa quyền lực và những tham vọng trần tục nhất. Có thể tìm thấy trong tác phẩm hàng loạt những boăn khoăn của tác giả về thân phận con người, về cái tốt, lẽ thiện và cái ác ở cuộc đời. Qua Giàn thiêu, nhà văn Võ Thị Hảo còn đồng thời gửi gắm thông điệp về khát vọng tự do và tình yêu cũng như trách nhiệm của người cầm bút trước thời cuộc.
Đề tài lịch sử đã tạo nên thành công trong nhiều sáng tác của các nhà văn đương đại. Những sáng tác tiểu thuyết lịch sử trong thời kì Đổi mới đã có một sự thay đổi rõ rệt trong quan niệm sáng tác khi các nhà văn tạo cho mình một sự độc lập trên trang viết. Nhà văn không làm công việc ghi chép lại lịch sử mà làm một cuộc khảo sát trong chính thế giới nội tâm của nhân vật để nhận diện dấu ấn lịch sử hoặc phản chiếu các sự kiện lịch sử qua số phận các nhân vật. Hội thề, Sắc đẹp khuynh thành, Giàn thiêu là các sáng tác viết theo khuynh hướng như thế.
Thanh
XEM THÊM BÀI VIẾTREVIEW SÁCH
XEM THÊM BÀI VIẾT CHUYÊN MỤC KHÁC CỦASỐNG GIÁ TRỊ