Cuộc cách mạng một cọng rơm là một cuốn sách viết về cách canh tác theo tác giả là “ không có phương pháp” hay “ không làm gì cả” với các giống cây ăn quả, rau, lúa và các loại ngũ cốc… mà chính tác giả đã gieo trồng, thu hoạch ngay tại chính mảnh vườn của quê nhà mình nơi xứ sở Mặt Trời Mọc.
Dành cho những ai chưa từng đọc qua quyển sách này, bạn có thể sở hữu ngay cho mình “Cuộc cách mạng một cọng rơm” bằng cách nhấp vào đây.
Vài dòng đầu của tôi – người viết nên review này!
Lời khuyên chân thành dành cho bạn – người đang đọc bài viết: Hãy mở lòng mình ra với sự bao dung chính mình để đón nhận những quan điểm cá nhân đến từ tác giả cuốn sách. Hãy quên đi những tư tưởng bảo thủ để có thể hòa mình với nhịp đập chung trong suy nghĩ của tác giả! Rồi bạn sẽ tìm thấy được sự đồng điệu sớm thôi!
Cuộc cách mạng một cọng rơm do lão nông Masanobu Fukuoka viết nên, đó hẳn được xem như một cuộc hành trình hay một câu chuyện dài về con đường tìm kiếm giải pháp cho nền nông nghiệp tự nhiên thực thụ của ông. Với tôi thì cuốn sách quả thật rất hay bởi cái cách mà tác giả diễn đạt, giải thích và minh chứng cho lý lẽ chính mình! Có thể bạn sẽ ngạc nhiên cho suy nghĩ của tác giả về ý nghĩa của hai từ “ tự nhiên” nhưng nếu theo chân những phần mục nhỏ bên trong cuốn sách, chính bạn sẽ nhận được lời giải đáp cho vấn đề ban đầu thắc mắc của cá nhân bạn.
Cuộc cách mạng một cọng rơm là một cuốn sách viết về cách canh tác theo tác giả là “ không có phương pháp” hay “ không làm gì cả” với các giống cây ăn quả, rau, lúa và các loại ngũ cốc… mà chính tác giả đã gieo trồng, thu hoạch ngay tại chính mảnh vườn của quê nhà mình nơi xứ sở Mặt Trời Mọc.
Theo lão nông Masanobu Fukuoka viết thì cái cách mà rất nhiều người trên thế giới vẫn hay thường sử dụng để chăm sóc cây trồng nhà mình và tự vỗ bụng rằng nó là tự nhiên thì hoàn toàn không phải tự nhiên. Ví dụ như bạn sử dụng các loại phân chuồng, phân vi sinh để bổ sung dinh dưỡng cho cây hay thậm chí là cày đất để gieo hạt thì đó vẫn phải gọi là nhân tạo vì bàn tay của bạn đã góp phần làm nên chúng kia mà. Đối với tác giả, tự nhiên chính là sự xuất phát từ nguyên thủy của chính nó, một mảnh vườn có cỏ dại và rau mọc chen chúc thì chính là tự nhiên chứ không phải là loại rau đó không có thuốc trừ sâu, phân hóa học thì đã được gọi tự nhiên rồi.
Xem thêm:

Nếu bạn có ý định đọc cuốn sách để học hỏi về cái mà có thể gọi là phương pháp làm nông hiệu quả, thì với tôi đây thật là một ý tưởng không tồi! Chính tác giả đã viết nên cuộc đời của những cái cây, cách gieo lúa trên đồng cạn, những giai đoạn và thời gian thu hoạch mùa vụ đúng theo bản chất tự nhiên nhất có thể. Năng suất và chất lượng vẫn luôn đảm bảo so với cách gieo trồng sử dụng quá nhiều máy móc và các loại phân bón của những người nông dân khác.
Tác giả đã đúng khi nhắc đến những loài thiên địch đang dần bị con người hủy hoại và khả năng át chế số lượng loài trong tự nhiên là phụ thuộc vào bàn tay con người chứ không nằm nơi việc đấu tranh sinh tồn giữa các loài với nhau. Hay nhu cầu ăn các loại trái cây trái mùa, những thực phẩm vốn chỉ có mùa hè thì nay mùa đông vẫn có. Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy gì đây? Những khu nhà kính mọc lên, những loại thuốc kích thích tạo nên để cho ra những loại cây trái mùa bởi vì giá tiền những sản phẩm đó có thể gấp 3, gấp 4 lần so với đúng mùa.
Con người ta mải mê chạy theo đồng tiền, thức ăn bày bán trái mùa đó mà quên đi giá trị hương vị của loại trái cây mình ăn. Lâu dần rồi, thứ nào cũng như thứ nào! Chúng ta chỉ biết đến ngọt mà chẳng phân biệt nổi ngọt thanh hay ngọt đậm…Và như tác giả đã viết: Nếu thực sự chúng ta có khủng hoảng lương thực thì nó sẽ không phải do năng lực của tự nhiên không đủ, mà là do bởi ham muốn vô độ của con người. Ngẫm nghĩ thì chẳng ai có thể phủ định được lý lẽ này!
Nơi cánh đồng của lão nông trong các vụ gieo trồng luôn rải hạt giống lúa xuống cùng với những hạt cỏ ba lá hoa trắng hay cây linh lăng… và rơm rạ thì được phủ khắp ruộng từ mùa thu trước. Chính tác giả đã giải thích những nguyên nhân trên bằng các chứng minh thực tiễn. Ví như việc rải rơm rạ là để phủ độ ẩm cho đất, ngăn ngừa cỏ dại và chim sẻ… Còn các loại cỏ ba lá hay linh lăng là giúp tạo độ màu mỡ hay cố định nitơ cho đất.
Giống như ở Việt Nam hiện nay đã có rất nhiều khu vườn trồng các loại cây họ đậu xen chung với cây trồng chính, dưới cái nhìn toàn thể, những giống cây thật sự có thể chung sống trong hòa bình. Tôi viết nên điều này vì để bạn cảm nhận được rằng một mảnh vườn có cỏ dại, rau tía tô, lá hương nhu, hay sả…những thảo dược có trong tự nhiên của đất nước mình hoàn toàn có thể sống và lớn lên cùng nhau. Đôi khi cũng không nên quá rạch ròi!
Bạn cũng chớ nghĩ cuốn sách này chỉ do một lão nông chân lấm tay bùn viết ra mà chẳng am hiểu chút kiến thức gì hết, thực chất thì trước khi Masanobu Fukuoka chọn trở về nông thôn làm vườn, ông đã từng làm việc cho Cục Hải quan Yokoham ở bộ phận thanh tra cây trồng và đã có rất nhiều thời gian nghiên cứu về cây trồng. Vậy điều gì đã khiến ông từ bỏ công việc ổn định của chính mình để bắt tay làm một lão nông?

Qua cuốn sách Cuộc cách mạng một cọng rơm có lẽ tôi và bạn có thể học được những chân lý tuyệt vời của sự sống. Masanobu Fukuoka viết rằng: Mục đích làm nông không phải là trồng cây, mà là sự tu dưỡng hoàn thiện con người. Xuyên suốt chiều dài của cuốn sách, tôi nhận ra ông không chỉ là một lão nông mà còn là một vị sư tổ của nền nông nghiệp tự nhiên đích thực. Với việc kết hợp thiền định trong đời sống hằng ngày, việc để thân tâm mình hòa hợp với thiên nhiên, ông đã trở thành một người làm nông với tâm hồn vĩ đại nhất!
Những gì tôi viết trên đây chỉ là cảm nhận riêng tôi về một phần nhỏ những bài học từ cuốn sách. Có thể bạn còn rất nhiều nghi hoặc, còn rất nhiều câu hỏi đặt ra. Nếu là vì lý do đó hãy tìm đọc cuốn sách và chiêm nghiệm câu trả lời cho bản thân mình. Nếu như bạn cảm thấy những lý lẽ của tác giả đưa ra thật điên rồ, hay nó không phù hợp với quan điểm của bạn, không phù hợp cuộc sống hiện tại bạn đang mong muốn. Vậy thì, hãy quên nó đi, coi như chưa từng đọc nó! Cảm ơn bạn đã đọc đến dòng cuối cùng này của tôi!
XEM THÊM BÀI VIẾT REVIEW SÁCHTẠI ĐÂY
XEM THÊM BÀI VIẾT CHUYÊN MỤC KHÁCTẠI ĐÂY