Bong Joon-ho là một vị đạo diễn được nhiều người ái mộ trong làng điện ảnh Hàn Quốc, cũng chính ông với những tác phẩm nổi tiếng như The Host, Snowpiercer hay Memories of Murderer đã mang nền điện ảnh Hàn Quốc sánh ngang tầm với những giá trị của nền điện ảnh phương Tây.
Parasite và những bậc thang giai cấp trong xã hội Hàn Quốc
Parasite hay với tựa Việt là Kí sinh trùng, là bộ phim kể về anh chàng thất nghiệp Ki-woo, con trai của một gia đình nghèo khó sống trong khu ổ chuột. Một ngày, Ki-woo nhận được lời đề nghị của người bạn thân để đến nhận làm gia sư cho con gái của một gia đình giàu có. Sau đó, bằng những thủ đoạn khác nhau, anh và em gái của mình đã khéo léo thay thế những người làm trong gia đình đó bằng thành viên trong gia đình mình. Từ đó, những bí mật không ngờ đã bị phát hiện, những khác biệt mà dù Ki-woo có cố gắng đến đâu thì anh cũng thấy mình thật lạc lõng giữa khung cảnh xa hoa.
Nét “hài kịch đen” độc đáo, lôi cuốn mà sâu cay
“Hài kịch đen” (black comedy) là một thể loại hài kịch sử dụng sự hài hước một cách không lành mạnh. Thể loại này bắt nguồn từ những vấn đề mang tính cấm kỵ. Nó được đặt bởi nhà lý luận theo chủ nghĩa siêu thực André Breton vào năm 1935, nhằm chỉ ra một thể loại con giữa hài kịch và trào phúng khi tiếng cười được dựa trên sự nhạo báng và hoài nghi. Đạo diễn Bong Joon-ho là người vô cùng thành thục trong việc sử dụng những yếu tố hài hước châm biếm này để nói lên những góc khuất trong bản chất của xã hội Hàn Quốc, nơi ông được trải nghiệm, suy ngẫm và đưa ra những góc nhìn chân thực.
Nếu nhìn vào poster của phim, không ít người sẽ nhầm tưởng đây là một bộ phim kinh dị kịch tính. Nhưng thực chất thì ngược lại, phần đầu của phim sẽ mang lại cho khán giả những phút giây cười sảng khoái. Nét hài hước được mang lại từ những mánh khoé mà anh em nhà Ki-woo sử dụng, từ sự oái oăm mà những gia đình sống dưới những căn hầm phải chịu. Những người tinh ý sẽ nhận ra, trong cái tiếng cười của họ có gì đó chát chúa, cay đắng cho những mảnh đời kia, tiếng cười ấy dường như thật mong manh, như khoảng trời quang trước cơn bão, như bước đệm cho những điều sắp xảy đến.
Và quả thực đạo diễn Bong Joon-ho quả thực tài tình trong việc đùa giỡn với cảm xúc của khán giả. Ông như đang từ từ vẽ ra một lối nhỏ tươi đẹp từ từ dẫn dắt người xem vào một cung điện cảm xúc, nơi không còn những tiếng cười, chỉ còn lại hiện thực thê thảm, bi thương.
Những bậc thang giai cấp trong xã hội Hàn Quốc
Hình ảnh những bậc thang, từ lúc Ki-woo bước ra khỏi nhà đến nhận công việc gia sư, hiện lên xuyên suốt trong cả bộ phim. Nó tượng trưng cho những khác biệt giai cấp mà xã hội Hàn đang phải đối mặt. Dưới những bậc thang là những căn nhà hầm, nơi mà người ta hàng ngày chỉ có thể nhìn thấy chân người đi đường qua lại, sự bề bộn, dơ dáy, nơi luôn toát ra một mùi khó chịu ngột ngạt.
Còn trên những nấc thang ấy là tiền tài, là danh vọng, là những buổi nằm dài trên thảm cỏ đầy nắng thong dong, là những buổi tối tụ họp ấm cúng trong phòng khách hướng mắt ra khu vườn thơ mộng ngắm mưa. Tất cả những thứ ấy, sự khác nhau một trời một vực ấy, lại trớ trêu thay lại chỉ cách nhau có một vài bậc thang, tưởng gần mà xa đến vô tận.
Và khi mà những áp lực đã đạt đến đỉnh điểm, những bức bối đã dồn con người đến giới hạn, họ có thể làm bất cứ điều gì.
Trước khi xem phim thì những diễn viên cũng như đạo diễn của phim đã nhắn nhủ đến khán giả sau khi xem không nên tiết lộ những nội dung phim. Vậy nên tôi sẽ để dành những phần hồi hộp nhất, những tình tiết chẳng thể đánh định lại dành cho bạn. Hãy ra rạp ngay để thưởng thức tác phẩm có một không hai của Bong Joon-ho, bộ phim cũng vừa mới vinh dự nhận được giải Cành cọ Vàng tại liên hoan phim Cannes mới đây.
Tags: #phim Parasite #review phim