Pleiku đang trong những ngày kỷ niệm tuổi 90 của mình. Trong cái gió lạnh và khô, từng lượt người ghé qua quảng trường. Người đến để tham gia các lễ hội, người dạo quanh các gian hàng trưng bày cà phê, phong lan, đặc sản Tây Nguyên. Tôi thấy lòng mình chìm trong một cảm xúc xốn xang, khó tả. Pleiku trong tôi không phải chỉ là những dãy phố, những ngôi nhà, những đồi hoa vàng rực hay những đồi thông tươi xanh mơ mộng. Pleiku của tôi là bao nhiêu năm tháng, bấy nhiêu cung bậc yêu thương tôi từng trải qua với những dấu yêu không thể nào tìm lại được nữa. Tôi lặng người bên những tấm hình lưu giữ những hình ảnh của Pleiku xưa và bồi hồi nhìn lại hình ảnh những chiếc xe lam trên những con đường dốc đỏ bụi mờ của Pleiku ngày nào. Những chuyến xe lam gắn liền với cả một quãng đời thơ bé của tôi bên những người thân yêu nhất.
Chiếc xe lam ba bánh với buồng lái trống hai bên và hai dãy ghế ngồi phía sau dành cho 10 hành khách giờ chỉ còn là một hình ảnh trưng bày. Với tuổi trẻ nói chung và tuổi trẻ Pleiku nói riêng, phương tiện giao thông phổ biến bây giờ là ô tô, xe máy. Cũng đã lâu lắm rồi tôi không còn nhìn thấy xe lam trên đường nữa, nhưng nó đã in sâu trong ký ức của tôi. Chỉ cần một cái gì gợi nhớ là tất cả lại sống động quay về.
Chiếc xe lam gắn liền với hình ảnh những người mẹ quê tần tảo một nắng hai sương. Má tôi là một người mẹ như vậy. Như mọi người dân ở vùng quê của tôi, nhà tôi trồng lúa, rau và hoa. Thay vì bán tại vườn cho người khác, má cố gắng thức khuya dậy sớm cắt rau đem tận chọ lớn Pleiku để bán. Hai giờ sáng, khi tôi còn đang say giấc, mẹ đã dậy chất rau lên xe lam lên chợ. Thức dậy không thấy má, một cảm giác thật trống vắng. Người ta nói “mong như mong mẹ đi chọ về” thật không sai. Không phải chỉ vì quà bánh (thứ lúc nào cũng có), mà còn là nỗi nhớ nhung, dù má chắc chắn sẽ về. Rồi má về, đem theo những bịch chè đậu ván nhỏ xíu. Món ăn dân dã mà cái vị ngon bây giờ tôi như vẫn còn cảm nhận được. Bàn chân má quanh năm lội ruộng, làm vườn nên nứt nẻ. Những ngày trời lạnh như thế này thật khổ sở cho má mà tôi lúc đó còn nhỏ đâu có biết gì. Bàn tay má hết việc vườn, việc ruộng lại lo việc nấu nướng khâu vá. Má thương con và muốn con được học hành nên dù khổ cực thế nào cũng ráng. Những ngày rảnh rỗi gần Tết, má lại dẫn chúng tôi theo những chuyến xe lam về phố để mua quần áo, sách vở. Ba chị em dắt díu nhau theo sát má vì sợ lạc, đúng kiểu “nhà quê lên tỉnh”. Thật ấm áp biết bao nhiêu khi ở bên cạnh mẹ.
Ba tôi làm việc văn phòng trên thị xã. Cứ mỗi chiều, tôi cùng em trai út lại ra cổng ngóng chừng những chuyến xe lam về. Ba xuống xe, tươi cười chạy đến ôm chúng tôi và cho hai chị em một gói bánh sâm banh, thứ bánh quy nướng dài, giòn và xốp. Không biết bây giờ có ai thích loại bánh này không,nhưng với chị em tôi khi đó, mùi vị của bánh mới ngon tuyệt làm sao, cái ngon của bánh và cái thích thú của chúng tôi như còn mãi đến bây giờ.
Chúng tôi lớn dần lên cùng cuộc sống mỗi ngày một khó khăn hơn của đất nước trong thời bao cấp. Ba má lại vất vả hơn để lo toan cho cuộc sống của gia đình. Mỗi lần được cùng ba hay má đi xe lam lên phố để mua thứ này thứ nọ, được ngắm phố xá lúc nào cũng thật là tuyệt vời với niềm vui bất tận. Cũng có những lúc trên những chuyến xe lam về phố, tôi đi cùng bạn bè chụp hình hoặc mua những quyển họa báo Liên Xô nhiều màu sắc về bao sách vở chuẩn bị cho năm học mới. Cũng có lần, tôi cùng các bạn và thầy cô lên những chuyến xe lam về thị xã để tham dự những hội thi hoặc các sinh hoạt dành cho thiếu nhi toàn thị xã. Những chuyến xe như vậy lúc nào cũng vui ngất trời. Chúng tôi vui đùa, ca hát suốt dọc đường đi. Những kỷ niệm không thể nào quên được.
Những bác tài xe lam đa số đều quen biết chúng tôi vì đều là người cùng làng. Tôi có hai người chú họ làm nghề này để nuôi những đàn con đông đúc. Mỗi lần tôi đi xe, chú không nhận tiền xe nhưng má lúc nào cũng dặn phải đưa tiền cho chú vì chú còn vất vả lo cho gia đình, cho mấy em con chú. Hai chú cháu cứ đưa qua đẩy lại như vậy rồi lại nhìn nhau đầy xúc động. Hiểu được tấm lòng của chú, có lúc tôi nhận lại tiền rồi cảm ơn chú.
Cuộc sống ngày một thay đổi. Dần dần các gia đình đều có xe máy, ô tô để đi lại. Để chuyên chở thì có xe tải các loại trọng tải lớn hơn, đi nhanh hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn. Xe lam không còn phổ biến nữa. Nó được cải tiến để chuyên chở hàng hóa trong phạm vi gần rồi cũng không còn được dùng nữa. Các chú tôi cũng như các bác tài xe lam khác lại trở về với ruộng vườn hoặc tìm những ngành nghề khác để sinh sống và nuôi con.
Thêm mấy mươi năm nữa qua rồi. Lớp trẻ bây giờ chỉ còn biết đến chiếc xe lam qua những câu chuyện kể, những hình ảnh còn lưu lại, hay những chiếc xe được trưng bày ở các bảo tàng. Ba má tôi, các chú cùng nhiều người thân quen khác đều đã lần lượt ra đi. Xem lại những hình ảnh cũ trưng bày ở Quảng trường trong dịp kỷ niệm này, lòng tôi lại dâng lên những nỗi niềm xúc động. Cuộc sống là vậy, phát triển luôn đi cùng với đổi thay. Dẫu biết là vậy nhưng làm sao tránh khỏi những bâng khuâng khi những điều thân thương đã thành dĩ vãng.
Tôi lại lên chuyến xe lam của ký ức tìm về một miền yêu dấu đã xa…
Pleiku ngày 10 tháng 12 năm 2019
Ái Nguyễn Thị Thuý