Tình hình dịch covid căng thẳng khiến phần lớn mọi người phải làm việc hoặc học tập tại nhà. Làm thế nào để tập trung hiệu quả trở thành bài toán chung của tất cả mọi người. Đâu là các yếu tố khiến chúng ta phân tâm? Có quy trình hay mẹo đặc biệt nào khiến chúng ta có thể tập trung tuyệt đối vào công việc của mình hay không?
Tập trung khi làm việc tại nhà – bài toán khó giữa đại dịch covid
Sáng nay chị gái tôi vừa nhắn tin than phiền về việc không thể tập trung làm việc trong tiếng con khóc khi địa phương chị ở bắt đầu áp dụng chỉ thị 16. Chị nhờ tôi – nhân vật đã làm việc ở nhà tròn 100 ngày – chia sẻ bí kíp để có thể sống chung với lũ.
Làm sao có thể tập trung khi môi trường làm việc tại nhà khác hoàn toàn với công sở? Làm sao có thể tập trung khi cứ 5 phút con lại ra đòi ngồi bô, uống sữa hay khóc ré lên. Có lẽ không chỉ tôi, chị gái mà hầu hết người dân Việt Nam đăng phải chịu những áp lực nhất định cho việc tập trung khi WFH. Hiệu suất công việc bị sụt giảm vì thiếu tập trung trong khi khối lượng công việc vẫn vậy. Từ đó kéo theo hàng loạt vấn đề như: thời gian làm việc dài hơn, áp lực hơn, mệt mỏi tâm lý vì phải chịu đựng các vấn đề gây quấy nhiễu mỗi ngày.
Tập trung hiệu quả khi làm việc hoặc học tập tại nhà trở thành bài toán khó và bức thiết.
Phương pháp nào giúp tập trung hiệu quả khi làm việc tại nhà?
Thời gian đầu mới làm việc tại nhà tôi liên tục phải tra google để tìm kiếm các phương pháp để tập trung hiệu quả. Nhưng kết quả cũng như nhiều người, tôi thất vọng. Bởi những phương pháp có sẵn trên internet không phù hợp với cá nhân tôi.
Sau một khoảng thời gian dài áp dụng các phương pháp loại bỏ tiếng ồn, nghe nhạc, cách ly khỏi con đều không hiệu quả. Tôi bắt đầu học được cách sống chung với lũ và lần mò ra mẹo tập trung phù hợp nhất với mình.
Có thể tóm tắt các mẹo ấy thành 5 điều sau:
Loại bỏ sự phân tâm
Chúng ta thường không tập trung tốt vì cố gắng đẩy bản thân mình vào trạng thái “tập trung”. Khi loại bỏ hai chữ “tập trung” ra khỏi đầu bạn sẽ nhận thấy mình hoàn thành công việc hiệu quả và nhanh chóng. Cố gắng tập trung là vẫn đề gây nhiễu đầu tiên cho tâm trí của ta.
Thói quen thả mình “lạc trôi” trong thế giới mạng cũng là vấn đề gây phân tâm. Tôi từng thử nghiệm đếm thời gian mình thực sự làm việc và bị mất tập trung xen kẽ. Kết quả đưa ra đáng ngạc nhiên khi trong 4 giờ tôi chỉ làm có 78 phút. Lướt facebook và tiktok đến 124 phút. Thời gian tôi bị ngưng bởi những vấn đề gây nhiễu khác như: tiếng ồn, tiếng con khóc chỉ chiếm có 38 phút mà thôi.
Bạn thấy đấy, vấn đề của tập trung là chúng ta bị phân tâm bởi những thứ ồn ào trong tâm trí chúng ta nhiều hơn là những tiếng ồn bên ngoài. Để có thể tập trung hãy nhìn vào công việc của bạn thay vì nhìn vào những điều khiến bạn bị loãng. Mỗi người có một cách thức để “nhìn vào” riêng. Bạn hãy thử đóng các giác quan của mình và chỉ nhìn thẳng vào công việc trước mặt xem hiệu quả đến đâu nhé.
Làm việc theo to – do – list
Chúng ta ai cũng muốn tập trung, nhưng ít lưu ý đến vấn đề “tập trung hiệu quả”. Mục đích cuối cùng của tập trung là đem lại hiệu quả trong công việc. Thay vì cố ép mình ta hoàn toàn có thể dùng hiệu quả công việc để đo lường. Các to-do-list cần được sử dụng để ta đo đếm những thứ mình phải làm và cần làm ngay. Cuối buổi chỉ cần các công việc trong danh sách đã hoàn tất thì việc bạn bị phân tâm bao nhiều lần không quá quan trọng.
Tập trung ngắn hạn
Để đem lại hiệu suất công việc cao bạn không cần thiết phải ngồi làm việc liên tục. Tập trung thời gian dài hay tập trung ngắn hạn đều được. Nếu môi trường không cho phép bạn ngồi lì một chỗ quá lâu, hãy thử làm việc 15 – 30 phút mỗi lần. Sau đó đứng lên để thư giãn, để dỗ con, hay xử lý những thứ khác đang khiến bạn bị nhiễu. Sau khi mọi thứ ổn định lại hãy tiếp tục tập trung vào công việc trước mắt. Đóng các giác quan lại và chỉ chú tâm giải quyết thứ mình cần hoàn tất trong lúc đó.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về phương pháp Pomodoro để rèn luyện sự tập trung ngắn hạn cho mình.

Giữ tinh thần khỏe
Để tập trung hiệu quả bạn cần có tinh thần khỏe. Việc giữ tinh thần khỏe được xây dựng dựa trên giấc ngủ và mức độ rèn luyện trí não. Luôn luôn ngủ đủ giấc. Tránh các hoạt động gây áp lực cho hệ thần kinh. Nghỉ giải lao đúng lúc, thiền định hay chơi các game tăng cường trí tuệ. Những hoạt động trên giúp bạn có một hệ thần kinh khỏe để giữ cho tinh thần khỏe. Từ đó giúp bạn tập trung cao độ tốt hơn.
Cân bằng dinh dưỡng và rèn luyện
Hệ thần kinh khỏe cần được xây nền tảng từ một cơ thể khỏe mạnh. Bạn hãy học cách cân bằng dinh dưỡng, rèn luyện cơ thể thường xuyên. Ăn đúng và đủ để chúng ta có nền tảng sức khỏe tốt nhất. Rèn luyện không chỉ gia tăng sức bền cơ bắp mà còn là thời gian “xả hơi” cho trí não.
Việc ăn uống và rèn luyện cũng sẽ giúp bạn có sức khỏe để chống chọi với virus corona đang hoành hành.
Tập trung hiệu quả khi làm việc tại nhà sẽ không còn là bài toán khó. Chỉ cần bạn học được cách “rũ bỏ” những tiếng ồn không cần thiết trong tâm trí. Học được cách “phải hoàn tất điều cần làm”. Nhớ duy trì việc làm việc và rèn luyện để cuộc sống thêm đa dạng và vui vẻ nhé.
Xem thêm bài viết cùng tác giả tại đây!