Bạn có ngưỡng mộ những bạn cùng lớp có thể tự tin thể hiện phần diễn thuyết của mình trước cả lớp và đạt số điểm cao? Kỹ năng thuyết trình rất quan trọng đối với điểm số của sinh viên, và cả những ai muốn gây ấn tượng trong công việc sau này. Không phải tài năng thiên bẩm, kỹ năng này hoàn toàn dễ dàng cải thiện.
Những nguyên nhân khiến một bài thuyết trình dở
Thuyết trình nghĩa là bạn mong muốn truyền đạt một hoặc một vài thông tin, thông điệp, ý tưởng nào đó cho nhiều người để họ hiểu rõ hơn về nó. Một bài thuyết trình hay hay dở phụ thuộc vào: thứ nhất là người thuyết trình và thứ hai là hình thức bài trình bày.
Những vấn đề phát sinh khi đứng trước một đám đông và bắt đầu giương micro lại sát đôi môi của mình và bắt đầu diễn thuyết như: nói không ra hơi, giọng nói như mắc kẹt trong cuống họng và “à..”, “ờ…” xuất hiện; bạn tưởng tượng phía dưới sân khấu mọi người đang dùng ánh mắt hình viên đạn nhìn mình, xét nét từng động tác của bạn để chực bắt bẻ; bạn nhìn vào slide và chỉ cố gắng đọc từng chữ trên đó và cuối cùng mong muốn thời gian trôi nhanh hơn một chút.
Những biểu hiện đó cho thấy một con người thiếu tự tin, quá quan tâm đến cái nhìn của người khác, không nắm rõ nội dung thuyết trình và thiếu kinh nghiệm giao lưu với người xem, bạn thuyết trình đơn giản vì bị ép.

Nguyên nhân thứ hai đến từ việc những trang trình bày của bạn nào những lỗi: phông chữ khó đọc, chi chít chữ không biết đâu là ý chính, sử dụng hình minh họa không phù hợp, màu sắc, bố cục, cấu trúc bài lộn xộn, không đánh số slide,…
Những yếu tố trên chính là lý do cho sự dậm chân tại chỗ của bạn trong kỹ năng thuyết trình. Nếu bạn tự hỏi tại sao người khác được điểm 9, 10 còn mình lẹt đẹt 5, 6 thì hãy đọc những tip giúp bạn săn điểm dưới đây.
Nâng cấp kỹ năng thuyết trình bắt đầu từ đâu?
Nghiên cứu kỹ trước giờ lên “sàn thuyết trình”
Điều đầu tiên và quan trọng nhất trong bất kỳ trường hợp thuyết trình nào chính là việc bạn phải hoàn toàn hiểu bài thuyết trình của mình, chỉ khi nắm được nó, bạn mới tăng thêm sự tự tin và hăng hái chia sẻ thông tin tới mọi người, vì chẳng ai ngồi phía dưới am hiểu vấn đề này hơn bạn – người đã nghiên cứu thông tin và soạn ra nó. Webster cũng cho rằng như vậy: “Thà bắt tôi lõa lồ ra mắt công chúng còn hơn bắt lên diễn đàn khi chưa soạn kĩ bài diễn văn”.

Nếu bạn có một nhóm, hãy phân chia rõ ràng, ai sẽ đảm nhận nghiên cứu thông tin cho các phần cụ thể nào. Và để tránh trường hợp thông tin hời hợt ảnh hưởng đến giá trị bài thuyết trình, mọi người có thể hỏi lẫn nhau những điều mình thắc mắc về các phần được chia. Sau đó hãy ghi chú lại, tìm câu trả lời và tiếp tục bổ sung nội dung cho đầy đủ.
Đây cũng là cách giúp bạn có khả năng “đối phó” lại những câu hỏi từ người nghe trong buổi thuyết trình về sau một cách trơn tru, chắc chắn.
Xem thêm: Những thủ thuật đào sâu thông tin cho kỹ năng viết content và kỹ năng thuyết trình.
Các mẹo hoàn thiện slide thuyết trình hiệu quả
Như đã nói ở phần trên, có hai yếu tố để chấm điểm kỹ năng thuyết trình của mọi người. Nếu bạn chưa thể cải thiện được cả hai yếu tố này cùng một lúc, ít nhất hãy đảm bảo mặt hình thức bài powerpoint. Có một vài phương án sau để tạo những slide lôi cuốn người xem:
- Sử dụng biểu đồ, đồ họa để diễn giải thông tin thay vì chữ
- Chọn những phông chữ dễ đọc. Nhiều bạn cho rằng các phông chữ độc lạ thì thu hút hơn nhưng sự thật chúng khiến mọi người bị mất tập trung.
- Hãy thống nhất màu sắc cả bài thuyết trình, bạn có thể sử dụng một trong các tone: xanh – vàng, vàng – đen, xanh ngọc – trắng,… những cặp màu tương phản khác. Nếu slide 1 bạn dùng tone này, slide 2 bạn dùng tone màu khác sẽ khiến người khác dễ nhận xét bài thuyết trình thiếu chuyên nghiệp.
-
Bạn có thể tham khảo các slide mẫu trên internet với từ khóa “ppt template” hoặc “professional powerpoint” - Những bạn mới làm slide hay “tham” hiệu ứng. Nhưng nếu bạn để ý những slide thuyết trình của giảng viên hoặc những bài chuyên nghiệp khác, họ chỉ sử dụng 2-3 hiệu ứng chuyển động đơn giản lặp đi lặp lại. Xác định bạn đang truyền đạt cái gì quan trọng hơn trình diễn màu mè, rối mắt.
- Hình ảnh lồng ghép trong từng mục phải liên quan đến nội dung phần thuyết trình, bạn không thể chọn hình biển khi đang nói về vấn đề bảo vệ rừng.
- Giới hạn số trang trình bày: Những bài powerpoint chuyên nghiệp không nên vượt quá 30 slide. Yếu tố kéo dài thời lượng thuyết trình nên là nội dung phát ra từ miệng người nói chứ không phải 60. 70 slide. Chúng chỉ gây chán nản cho người xem.
Các mẹo để bớt sợ sệt trước đám đông

Vì bạn đã nghiên cứu kỹ thông tin trước buổi thuyết trình, bạn sẽ tự nhiên có niềm tin hơn vào những điều mình nói. Tuy nhiên, sự nhút nhát không thể cải thiện ngay ngày một ngày hai. Nếu đang là một sinh viên, bạn đang có nhiều cơ hội để thực hiện thuyết trình trong rất nhiều tiết học.
Dưới đây là một số mẹo nhỏ người cầm micro có thể áp dụng để bài thuyết trình hiệu quả hơn:
- Sử dụng ghi chú. Khi kết nối máy tính với máy chiếu, phần ghi chú sẽ không thể hiện trước mắt khán giả. Nếu có những nội dung khó nhớ hoặc mở rộng, bạn nên điền nó vào phần ghi chú để nhắc nhở mình.
- Cố gắng hướng mặt trước cơ thể của mình về phía người xem càng nhiều càng tốt thay vì để lại cho họ một bóng lưng sợ sệt.
- Để sát micro gần miệng nếu giọng nói của bạn quá nhỏ nhẹ, bị hụt hơi.
- Lồng ghép vài tương tác nhỏ trong bài thuyết trình, chẳng hạn như gợi câu hỏi để các bạn tham gia trả lời, tạo một trò chơi ô chữ vào cuối bài để củng cố thông tin đã chia sẻ cũng là một trong các ý kiến hay. Không khí buổi thuyết trình sẽ hào hứng hơn nhờ cách này.
- Vượt qua 5 phút đầu tiên thì mọi chuyện sẽ ổn. Khi bắt đầu phần trình bày, chúng ta ai cũng lúng túng cả, nhưng sau đó quen dần với bầu không khí này, bạn tự nhiên sẽ nói lưu loát hơn.
Lời kết
Trên đây là vài mẹo để kỹ năng thuyết trình của bạn hiệu quả hơn. Hãy thực hành ngay hôm nay và cởi mở đón nhận góp ý từ người khác. Quan trọng nhất vẫn là chữ “dám”, hãy xung phong nhận phần nói chứ không phải “núp” sau hậu trường.
Xem thêm: Top 5 cuốn sách phát triển bản thân giải quyết con ma tự ti trong bạn
Lá Đa