Kon Tum, một vùng đất cao nguyên trù phú, một không gian núi rừng bao la đầy mê hoặc. Là kho tàng văn hóa truyền thống độc đáo là nơi giao thoa, gặp gỡ của nhiều vùng miền trong cả nước và tình cảm mến khách của những con người nơi đây đã để lại trong chúng tôi biết bao điều cảm xúc…
Kon Tum thật xa
Mặc dù đã được nghe kể nhiều về sự nguy hiểm của con đèo này, nhưng bởi vì đã trót hẹn với mấy người bạn cũ cùng thời đại học gốc Nghệ Tĩnh hiện đang lập nghiệp tại Măng Đen. Từ Quảng Nam, chúng tôi vẫn quyết tâm ngược đèo Lò Xo để đến với mảnh đất “lắm mưa nhiều nắng” này.
Lần đầu tiên tự mình cầm lái ô tô, tôi đã thực sự được tận mắt chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của con đèo dài “ngoằn ngoèo” gần 30 km. Từ trên đỉnh cao nhất, chúng tôi như có cảm giác đèo Lò Xo hun hút và thăm thẳm. Cho nên ai đó dường như cũng có lý khi ví con đèo như một con rắn hổ mang khổng lồ đang oằn lưng qua khắp các triền núi nối giữa Quảng Nam và Kon Tum. Thật không thể đếm chính xác được có bao nhiêu con dốc, bao nhiêu khúc cua và bao nhiêu sự hiểm nguy trên con đèo này.
Từ vùng Bắc Trung Bộ nắng gió xa xôi, lần đầu tiên đến với Kon Tum, chúng tôi đã thực sự trở thành “thượng khách”. Chưa kịp nghỉ ngơi sau một chuyến hành trình dài, chúng tôi đã vội giục mấy người bạn ở Kon Tum dẫn đi tham quan một vòng quanh thành phố để được chiêm ngưỡng những công trình nổi tiếng của vùng đất này.
Ấn tượng đầu tiên về Kon Tum là ở trung tâm tỉnh lỵ, ngay trên từng con đường, ngõ phố, người Kinh và người Ba Na anh em đang sinh sống cộng cư, giao thoa, xen kẽ với nhau thật gắn bó bền chặt.
Ngôi nhà rông Kon Klor mái tranh cao vút, cao nhất trong các ngôi nhà rông hiện có ở Việt Nam tọa lạc tại một vị trí rất đẹp trên tuyến phố Trần Hưng Đạo và khá gần với cây cầu treo xinh đẹp cùng tên nối liền hai bờ của dòng sông Đăk Bla, như là một minh chứng cho tinh thần đoàn kết các dân tộc anh em và tình cảm bền chặt lâu đời đó.
Nhà rông Kon Klor được chính các nghệ nhân người Ba Na ở Kon Tum dựng nên hết sức kỳ công bằng các loại chất liệu quen thuộc của núi rừng Tây Nguyên, đó là gỗ, tre, nứa, tranh, lá và mang các họa tiết, hoa văn trang trí hết sức kỳ công mà bắt mắt, vững chãi trường tồn qua năm tháng được người Ba Na ở đây xem như là điểm tựa cho hồn cốt của làng.

Đứng trên cầu treo Kon Klor, phóng tầm mắt ra xa, ngắm nhìn không gian làng mạc, đồng lúa, bãi mía, nương ngô của cư dân hai bên con sông Đăk Bla, chúng tôi như cảm nhận được cuộc sống trù phú, ấm no của vùng quê này.
Nằm ngay trung tâm thành phố và cách nhà rông, cầu treo Kon Klor không xa là nhà thờ gỗ – nhà thờ được đánh giá đẹp nhất Kon Tum và các tỉnh Tây Nguyên. Trải qua hơn một thế kỷ xây dựng, công trình bằng gỗ theo lối kiến trúc Roman kết hợp với kiểu nhà dài truyền thống của người Ba Na này vẫn sừng sững trước thời gian như một biểu tượng tôn giáo của thành phố Kon Tum. Hàng ngày, công trình độc đáo này đã thu hút khá đông du khách đến tham quan và chụp ảnh lưu niệm.
… và Kon Tum thật gần
Ngoài những công trình văn hóa, kiến trúc mang đặc trưng Kon Tum, thì Khu Di tích lịch sử Ngục Kon Tum nằm trên đường Trương Quang Trọng ngay trung tâm thành phố. Đây là nơi từng giam giữ nhiều chiến sĩ yêu nước thời kỳ Pháp thuộc cũng là một địa chỉ đỏ được nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Nhẩm đọc lại những cái tên quen thuộc của các nhà cách mạng nổi tiếng đã từng bị bắt giam trong cao trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh (1930-1931), chúng tôi ai cũng như cảm thấy như lòng mình nghẹn ngào, lắng lại…
Được thưởng thức ly cà phê mang thương hiệu “Da Vàng” nổi tiếng Kon Tum trong cái quán mang cái tên khá “độc” Indochine. Quán nằm ngay cạnh cây cầu Đăk Bla tiếp giáp cửa ngõ vào thành phố Kon Tum, có kết cấu chủ yếu bằng vật liệu tre trúc quen thuộc có nhiều ở Quảng Bình. Quán do chính một người Quảng Bình nổi tiếng thiết kế, đó là Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa, chúng tôi cũng có thật nhiều cảm xúc khó nói.

Từ thành phố Kon Tum, xuôi theo tuyến đường 24 về phía hướng Đông khoảng 50km, chúng tôi đã được đặt chân đến thị trấn Măng Đen thuộc huyện Kon Plong, nơi có những khu rừng nguyên sinh xanh tốt với khí hậu mát mẻ, nơi có “ba hồ, bảy thác” gắn liền với truyền thuyết thần Pling đã tạo ra khung cảnh tuyệt vời này. Đó là những cái hồ nước ngọt mát lạnh trong xanh quan năm, như Toong Ly Leng, Toong Ziu, Toong Zơ Ri, Toong Săng, Toong Pô, Toong Đam, Đak Ke và ba ngọn thác là Pa Sỹ, Đak Ke và Đak Pne đẹp đến mê hồn.
Đến với Măng Đen, không chỉ được vượt thác, lướt thuyền, đạp xe đạp nổi trên hồ, khám phá rừng thông hơn 30 năm tuổi, ghé thăm nhà thờ Măng Đen nổi tiếng nhất Kon Tum. Đến đây để chiêm nghiệm thêm sự đời và thế thái nhân tình hòng tìm lại cho mình một chốn bình yên nơi xứ người, được thưởng thức nhiều món ẩm thực tuyệt ngon. Chúng tôi còn may mắn được gặp, nói chuyện với nhiều người Nghệ An, Hà Tĩnh và đồng hương Quảng Bình đang sinh cơ lập nghiệp ở vùng đất này.
Anh Nguyễn Ngọc Sơn, một người Nghệ Tĩnh, xa quê mấy chục năm vào đây dạy học, rồi từ Tổng Biên tập Báo Kon Tum, chuyển sang làm lãnh đạo một ban Đảng thuộc Tỉnh ủy Kon Tum. Ở anh toát lên sự bản lĩnh, tính cách, giọng nói như vẫn còn rất đậm đà chất Nghệ. Vừa đón chúng tôi, anh đã say sưa trò chuyện, hỏi han về Nghệ Tĩnh quê mình, tưởng như đã rất lâu rồi anh chưa có dịp hồi hương, rồi sau đó mới giới thiệu với chúng tôi về Kon Tum và địa danh Măng Đen nổi tiếng.
Mỗi lần nhắc Măng Đen, anh và nhiều đồng hương khác ở Kon Tum cũng đều rất tự hào. Bởi, chính nhờ công sức, tinh thần vượt khó, sự cần cù, sáng tạo của những nam thanh nữ tú người Nghệ Tĩnh.
Biết tôi đến từ Quảng Bình, sau khi tranh thủ kể về những người Quảng Bình đang công tác, sinh sống ở Kon Tum, ở Măng Đen mà anh quen và sau vài cái chạm cốc theo cách người Miền Trung, anh còn có nhã ý ưu tiên hát tặng chúng tôi một lúc mấy nhạc phẩm liền về quê hương Quảng Bình. Được nghe Quảng Bình quê ta ơi, Phố biển tình anh, Nhật Lệ trăng huyền thoại,…giữa đêm cao nguyên lộng gió, trong chúng tôi lại trào dâng lên nhiều cảm xúc thật khó tả.
Xem thêm:

Đáp lại tình cảm của chủ nhà, mấy anh em chúng tôi cũng đã say sưa hát tặng anh và tặng cho cả những người Nghệ Tĩnh đang sinh cơ, lập nghiệp ở Kon Tum. Nơi mà chúng tôi đã từng được gặp, chưa gặp và sẽ gặp mấy nhạc phẩm nổi tiếng về vùng đất Nghệ Tĩnh anh hùng, như Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Giận mà thương, Ân tình xứ Nghệ, Vỗ bến Lam chiều,…đầy ý nghĩa.
“Em lên với Măng Đen, nơi lắm mưa nhiều gió/Mang theo nắng đồng bằng Nghệ Tĩnh ở trong tim/Em lên với Tâу Nguуên уêu Trường Ѕơn bao la/ Thương lắm màu đất đỏ như mối tình thủу chung.”….Bên bếp lửa hồng đang rực cháy giữa màn trời đêm của núi rừng Kon Plông, không ai bảo ai, tay trong tay, chúng cùng nhau say sưa cất lên bản Tình ca Măng Đenđong đầy ân tình của bao thế hệ thanh niên Nghệ Tĩnh một thời trên mảnh đất đầy nắng gió này…
Tạm biệt mảnh đất “nơi lắm mưa nhiều gió” và tạm biệt em – một Kon Tum đầy ân tình và quyến rũ: “Em trao cánh phong lan, nhủ anh về xứ nớ/Xa nhau nhớ một chiều gặp gỡ giữa đồi thông/Anh ơi cánh phong lan, уêu rừng thông như em đó/Anh trả lời em: Anh ở lại Măng Đen/Anh chẳng về đâu, anh ở lại với em…”.
Hà Trương
XEM THÊM BÀI VIẾT CHUYÊN MỤCSÁNG TÁC
XEM THÊM BÀI VIẾT CHUYÊN MỤC KHÁCSỐNG GIÁ TRỊ