“Không có hoa hồng nếu không làm mà chỉ giỏi phá” – ai trót đem lòng mê nhạc anh Đen chắc hẳn chẳng xa lạ gì với câu hát này. Tôi thích những ca từ ấy, vì đằng sau một câu hát rất nên thơ, một thứ nhạc để “chill”, tôi tìm được cho mình những chiêm nghiệm rất đời.
Đời người ai chẳng thích “hoa hồng” – chúa tể của các loài hoa – vừa quyến rũ, vừa ngát hương làm xao xuyến bất kỳ một tâm hồn nào. Ấy cũng là ngầm chỉ những thành tựu của cuộc đời – tiền bạc, danh vọng, thành công, hạnh phúc … – những điều mà con người luôn khát khao đạt được. Nhưng hoa hồng đẹp mà có gai, chạm vào có thể khiến ngón tay mình rỉ máu. Thành tựu cuộc đời cũng thế – quyến rũ, thu hút, nhưng để chạm vào cũng khiến mình xước trầy không ít.

Vậy làm thế nào để chạm được vào “hoa hồng” của cuộc đời? Ai đó chắc đôi lần từng đặt ra cho chính mình câu hỏi đó. Chỉ biết rằng “phải làm” là điều kiện cần để có “hoa hồng” trong cuộc sống. Làm chưa chắc đã có “hoa hồng”, nhưng không làm thì “hoa hồng” trong cuộc sống mãi mãi chỉ là một ước vọng xa vời. Những thông điệp mang tính hiển nhiên như thế nhưng tôi của một thời thơ dại nào đó đâu có nhận ra. Và vì thế mà, vỡ mộng cũng không ít lần trong cuộc sống.
Có lẽ nhiều bạn cũng như tôi, cắp sách tới trường từ nhỏ đến lớn mười mấy năm học với mộng tưởng đằng sau cánh cổng trường đại học sẽ trải đầy “hoa hồng” trong cuộc sống. Rồi một ngày cánh chim non nớt cũng phải ra đời và nhận ra cuộc sống này không vận hành theo cái cách như vậy. Hóa ra hoa hồng và mật ngọt trong cuộc sống không dành tặng cho những người “học giỏi”, mà dành tặng cho những người “làm giỏi”.

Tới lúc đi làm tôi mới hiểu ra rằng “học giỏi” thì kiến thức mới chỉ ở dạng tiềm năng. Kiến thức không được đưa vào thực tiễn làm việc cũng như ta mua chiếc xe gắn máy rồi để bám bụi ở xó nhà thay vì xách xe ra đường chạy mọi nẻo gần xa. Rồi ta có nên trách chiếc xe máy mà ta mất bao tiền mới mua được mà không đưa ta đi tới đâu? Hay ta nên trách chính mình không đem xe ra sử dụng?
Thế mà tôi trong những ngày chưa hiểu chút gì về sự đời đã từng có lúc trách “chiếc xe gắn máy” đấy. Giá mà từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi ý thức được những lý lẽ giản dị ấy. Nếu vậy, tuổi trẻ của tôi đã bớt đi nhiều ngày tháng mông lung và vô định hơn. Nếu vậy, có lẽ tôi đã chẳng phải vài lần vỡ mộng và thất vọng. Cuộc sống này muốn đạt được cái gì, thì phải bắt tay vào làm – làm tới khi nào ra kết quả thì thôi.

Có ai đó sẽ thắc mắc về những người gặp may mắn, một ngày đẹp trời bỗng trúng số độc đắc thì sao? Chẳng phải là không cần làm mà hoa hồng trong cuộc sống cũng rớt xuống với số phận đấy sao? Phải rồi, cuộc sống là thế, đâu loại bỏ những trường hợp hi hữu. Nhưng tôi chẳng bao giờ kỳ vọng mình sẽ rơi vào trường hợp hi hữu ấy – bởi vì mơ thế thì hên xui, chẳng có gì là chắc chắn cả.
Mà cũng kỳ lạ lắm. Nếu bạn tìm kiếm trên Internet sẽ chẳng khó khăn gì để thấy những bài báo về cuộc đời của những người giàu bất thình lình nhờ trúng số độc đắc. Nhiều người trong số họ nghèo lại hoàn nghèo, thậm chí có người tan nát gia đình, có người lại lưu lạc tha phương… Những tưởng được hưởng một đời thái bình, sung túc, có ai ngờ kết cục thật bi thương. Nhìn vào những thực tế cuộc sống như thế, tôi hiểu rằng, hoa hồng trong cuộc sống nếu không phải do bàn tay mình xây dựng, thì cũng dễ dàng biến tan như một ảo mộng, một bọt bong bóng xà phòng mà thôi.

Hoa hồng không tự đến trong sự nghiệp – tiền bạc, và cũng không tự rớt xuống trong tình yêu – hạnh phúc. Tôi đã không còn mơ mộng đến cái mức tin vào những câu nói như “Rồi một ngày, bạn sẽ gặp được một người vô cùng thương bạn, bao dung cho bạn hết mọi lỗi lầm, khuyết điểm”. Ngày đó là ngày nào, nếu như ta chỉ biết phó mặc cho một phép màu sẽ đến?
Đành rằng, gặp được nhau đã là một duyên may. Nhưng có thể tiến đến một đám cưới với nhau hay không, lại là một chuyện khác. Và cưới nhau về rồi, có thể sống vui vẻ bên nhau, cùng sẻ chia suốt chặng đường dài, lại là một chuyện rất rất khác nữa. Hạnh phúc cũng như một cái cây, cần phải chăm sóc, tưới mát, tỉa cành, nhổ cỏ, bắt sâu, xới đất … từng ngày thì cái cây mới có thể đơm ra hoa trái ngọt lành.

Vậy mà thời tuổi trẻ tôi đâu có nhận thức được chuyện ấy. Yêu thì chỉ biết yêu thôi, cứ vô tư hành động theo cảm xúc. Có những lúc tưởng như quan tâm đối phương tha thiết, nhưng thật ra chỉ là trói cột đối phương ngột ngạt. Có những lúc tưởng rằng nước mắt sẽ khiến đối phương mềm lòng, nhưng thật ra chỉ khiến đối phương muốn bỏ chạy thật xa. Có lúc tưởng như giữ chặt tình yêu trong tay, nhưng thật ra chỉ khiến tình yêu thêm vùng vẫy.
Hóa ra nhiều lúc mình đang phá lại cứ ngỡ là mình đang … xây. Vì có biết làm gì là “xây” hay làm gì là “phá” đâu. Tôi vỡ mộng cũng phải thôi, vì quá tin vào “duyên số”, vào hên xui, thì chẳng thế nào mà khá được. Mãi tới sau này, tôi mới thấm thía một câu danh ngôn: “True love isn’t found, it’s built.” (Tình yêu đích thực không được tìm thấy, nó được xây đắp mà thành).

Mà đúng ra, “hoa hồng” cũng sẽ chẳng tự rớt xuống trong bất kì khía cạnh nào khác trong cuộc sống. Không chăm chỉ đến phòng tập gym chắc sẽ tự có cơ bụng sáu múi? Không sinh hoạt lành mạnh, chăm sóc bản thân mỗi ngày thì ốm đau bệnh tật sẽ không ầm ập xuất hiện khi tuổi già kéo tới? Không nhiệt tình vì bạn bè những lúc bạn khốn khó, chắc bạn bè sẽ giang một cánh tay ra lúc mình hoạn nạn? Không trau dồi hiểu biết thường xuyên, chắc sẽ tự có sự khôn ngoan, thông thái? Không gieo hạt vào mùa xuân, chắc sẽ tự có hoa trái để thu hoạch trong mùa thu? Câu trả lời như thế nào, chúng ta đều tự mình biết rõ.

Đến giờ tôi đã cảm thấy bình thường và lành lặn với những thất bát, vỡ đổ đã đi qua trong cuộc sống. Khi mình biết được lý do vì sao mình không được nhận “hoa hồng” trong cuộc sống, mình dễ dàng chấp nhận sự thật hơn. Cuộc sống sẽ có những vất vả, khó khăn trong những giây phút mình làm việc, cống hiến vì bất kỳ điều gì và sẵn sàng làm nản lòng bất kỳ một ai. Nhưng tôi hiểu rằng, chỉ có băng qua con đường sỏi đá gập ghềnh ấy thì mới đến được với “vườn hồng” của cuộc sống.