“When someone says: You’ve changed. It simply means: You’ve stopped living your life their way”.
“Khi ai đó nói: Bạn thay đổi rồi. Điều đó đơn giản có nghĩa là bạn không còn sống cuộc sống của mình theo cách mà họ mong muốn nữa”.
Bạn đã từng nghe câu nói đó chưa? Bạn đã bao giờ thử ngồi yên lặng suy ngẫm đủ nhiều về ý nghĩa của nó?
Thay đổi là gì? Thay đổi là tốt hay xấu?
Một ông bố nói với đứa con: “Khi con còn nhỏ được bố mẹ kèm cặp, con luôn là đứa học hành giỏi giang, chăm chỉ và có thành tích hơn người. Nhưng kể từ lúc con lớn, bố mẹ để con tự quyết định cuộc đời mình thì con không còn được như thế nữa.”
Mới nghe xong, tôi thoáng buồn. Đứa con đó đã thay đổi rồi sao? Nó lớn lên mang theo đầy kỳ vọng của bố mẹ, rồi cuối cùng lại trở thành một người bình thường đến không thể bình thường hơn. Thế nhưng, nghĩ kỹ hơn thì liệu như thế có chắc là xấu?
Có người từng giảng giải với tôi rằng: Mỗi một ngày trôi qua, cơ thể chúng ta có hàng triệu triệu tế bào chết đi, và cũng ngần ấy tế bào mới được sản sinh. Nên cơ thể ấy ngày hôm sau thực tế đã thay đổi so với ngày hôm trước rồi. Chính vì thế việc chúng ta “thay đổi” là điều tất yếu không thể chống lại được. Nó bao gồm thay đổi về mặt sinh học cho tới tâm lý, nhận thức và cuối cùng ảnh hưởng trực tiếp tới hành vi.
Về mặt sinh học, quá trình thay đổi diễn ra không phô diễn ồn ào mà thấy được trong ngày một ngày hai. Nhưng bạn có thể rất dễ nhận ra sau một khoảng thời gian dài. Bằng chứng là chúng ta sinh ra còn đỏ hỏn, đến khi cao lớn, dậy thì rồi trưởng thành, lão hóa và già đi.
Về tâm lý, nhận thức cũng theo đó mà biến đổi. Tuổi nhỏ, ta quanh quẩn ăn, ngủ, chơi. Người tác động đến ta khi đó chỉ có gia đình, làng xóm. Lớn thêm một chút thì cắp sách đến trường học tập, được giao lưu thêm thầy cô, bạn bè. Khi trưởng thành, ra ngoài đời làm việc va chạm với xã hội. Đã không chỉ gói gọn ở nhà và ở trường nữa. Các mối quan hệ cũng rộng mở hơn với đủ các tầng lớp từ người lao động chân tay cho đến trí thức, thượng lưu.
Dĩ nhiên, tiếp nhận từng ấy những mối quan hệ, những luồng thông tin, thậm chí trải qua cả những thăng trầm thì nhận thức và hành vi của ta cũng sẽ bị thay đổi. Nếu rèn luyện tu dưỡng được một nội tâm vững mạnh, có một quan điểm sống giống như kim chỉ nam giữa cuộc đời đầy nhiễu nhương thì ta sẽ cảm thấy bình yên, thanh thản hơn và sớm chạm đến thành công, hạnh phúc. Nhưng mấy ai có được phúc phần ấy, chúng ta đều là những con người không hoàn hảo, đều ngày ngày va vấp, dò dẫm mới thấy đường. Nên không tránh có người hoàn cảnh đưa đẩy mà sa ngã đánh mất chính mình.
Tóm lại, ai trong chúng ta cũng phải thay đổi. Đó là điều không thể né tránh, và thay đổi ấy là tốt hay xấu thì chỉ người trong cuộc mới hiểu hết được. Cũng giống như bất kể chọn lựa nào trong cuộc sống cũng đi kèm với một cái giá nào đó. Có những con đường khi ta chọn bước đi, người ngoài nhìn vào sẽ cho là sai lầm, nhưng bản thân ta lại cảm thấy xứng đáng và hài lòng với lựa chọn ấy. Cũng có những con đường sau này ta nhận ra mình đã chọn sai, thì cũng có sao đâu. Chọn sai rồi chỉ cần đủ dũng cảm chọn lại, và nỗ lực để biến nó trở nên đúng đắn mà thôi. Vậy mới nói sướng hay khổ, cuộc đời của ta, mình ta hiểu, mình ta biết.
Tại sao “thay đổi” lại có nghĩa là bạn không còn sống cuộc sống của mình theo cách mà họ mong muốn nữa?
Vẫn có những người thở dài nói: “Bạn đã thay đổi rồi!”
Có bao nhiêu người là vui vẻ thực lòng chúc tụng cho sự thay đổi của bạn? Hay đa số đều kèm theo một ánh mắt thất vọng, một cái lắc đầu nuối tiếc. Như thể ngày trước bạn từng là người rất xuất sắc trong tâm trí họ, từng là người họ đặt rất nhiều kỳ vọng.
Ví dụ như cha mẹ thì kỳ vọng con cái sẽ học hành giỏi giang, đỗ đạt, công danh sự nghiệp toàn tài, thành gia lập thất êm ấm. Hoặc bạn bè thì kỳ vọng dù bất cứ sai lầm nào bạn cũng có thể giang tay chào đón họ, khi họ tay trắng thì bạn cũng phải đồng cam cộng khổ. Hoặc vợ chồng thì kỳ vọng phải yêu thương, chăm sóc, quan tâm, lo lắng, thấu hiểu, lại giỏi kiếm tiền, chăm lo gia đình. Hoặc nhân viên thì kỳ vọng sếp vừa giỏi giang, chỉ dạy, bao ban, vừa phải điềm đạm, dễ gần, vừa phải trả lương hậu hĩnh, làm việc nhẹ nhàng…
Cuộc đời này, dám hỏi có mấy ai sinh ra mà không mang theo những “bao tải” kỳ vọng của người khác đây? Vậy nên, chúng ta cứ mải mê theo đuổi những kỳ vọng ấy, hoàn thiện những kỳ vọng ấy. Thậm chí có những người còn mặc định rằng chỉ khi đáp ứng đầy đủ chúng thì mới trở thành một người con có hiếu, một người bạn chí cốt, một người chồng, người vợ hoàn hảo, một người sếp tuyệt vời, một người có ý nghĩa.
XEM THÊM:Tản văn: Hi sinh giá trị bản thân như thế nào để không vô nghĩa?
Người ta cứ lẩn quẩn trong cái vòng danh lợi, cho xứng với những kỳ vọng của người đời. Cho đến khi gần đất xa trời, có người mới thảng thốt nhìn lại. Ồ, tại sao ta thích làm giáo viên, nhưng gia đình muốn ta trở thành bác sĩ nên cả đời ta đã gắn bó với cái bệnh viện nhàm chán, những ca bệnh ra ra vào vào mệt mỏi, than vãn, đau đớn? Ồ, tại sao ta thích một cuộc sống ngao du đây đó đặt chân đến mọi miền đất mới, ngắm nhìn thiên nhiên hùng vĩ và bạt ngàn. Nhưng vì còn cơm – áo – gạo – tiền, sáng tối tất bật con cái, nội trợ, Nên cuối đời rồi ta chỉ biết một vài đoạn đường trong bán kính chục kilomet không hơn.
Ồ, tại sao ta thích cuộc sống thanh đạm an nhàn, sớm thức dậy có hoa nở chim ca, tối đi ngủ có trăng sao treo nơi đầu ngõ. Nhưng vì vướng bận công danh nên ta đắm mình trong phồn hoa đô thị với người người xô bồ, chật hẹp, lao xao… Thế ra, thân thể này nói là của ta nhưng đâu còn của ta nữa. Những điều ta muốn đều chưa làm được, mà chỉ mải miết đáp ứng những điều mà người khác muốn ở ta.
Vậy nên, ta quyết thay đổi để nhìn sâu vào tâm tưởng mình. Ta thực sự cần gì, muốn gì? Điều gì mới mang lại hạnh phúc cho chính ta? Dĩ nhiên khi đó đám người quanh ta sẽ nháo nhào phản đối bởi ta không còn sống theo cách mà họ mong muốn nữa.. Nếu ta từ bỏ, thì ai sẽ là người giúp họ thực hiện những kỳ vọng đó đây?
Sống như thế nào để có một cuộc đời ý nghĩa?
Chúng ta không sống đơn lẻ một mình. Giải pháp không phải cổ vũ tất cả hãy cứ quẳng hết những “bao tải” kỳ vọng của người khác gửi gắm trên lưng ta xuống mà không cần chút trách nhiệm nào. Chúng ta chắc chắn cũng không thể hạnh phúc nếu chỉ sống một mình, hưởng thụ một mình. Bởi hạnh phúc thực sự không bao giờ đến từ việc “giẫm đạp” lên hạnh phúc của người khác.
Vậy nên, để có một cuộc sống trọn vẹn, việc cần làm chính là biết suy xét và dung hòa. Đừng mù quáng nghe theo kỳ vọng của ai. Hãy sáng suốt nhìn lại chính mình, suy xét xem bản thân ta thực sự mong muốn gì? Suy xét xem trong số những kỳ vọng ngoài kia, điều nào có thể đáp ứng trong giới hạn, phù hợp với mong muốn và nguyện vọng của chính mình thì thực hiện.
Những kỳ vọng nào vượt quá giới hạn, vi phạm vào ranh giới cá nhân hoặc trái ngược với mong cầu chính đáng của ta, thì hãy mạnh dạn gạt bỏ. Cuộc đời này ngắn lắm, đừng để cuối đời mới hối tiếc vì chưa bao giờ dám sống cho chính mình. Cũng đừng ngại thay đổi, bởi như ai đó từng nói: “Bạn có thể mất một cái gì đó tốt, nhưng bạn có thể đạt được một cái gì đó tốt hơn”.
Có một điều chắc chắn là, với những người thực sự yêu thương bạn thì dù bạn có thay đổi như thế nào, miễn bạn cảm thấy hạnh phúc thì đến cuối cùng, họ cũng sẽ không bao giờ buông tay bạn đâu.
XEM THÊM CÁC BÀI VIẾT HAYTẠI ĐÂY