Mình đang ngồi ngắm mưa và viết những dòng cuối cùng trong bản thảo được khách đặt hàng. Tự nhiên thấy buồn trong lòng dù mình đang viết về những điều tử tế. Và mình muốn trải lòng một chút về nghề mình đang làm – nghề viết thuê.
Ghostwriter – người viết thuê xưa nay đều có. Nghề viết thuê không phải nghề lạ, nhưng cũng không phổ biến đến mức tất cả mọi người đều biết. Có rất nhiều lần mình bị hỏi: “sao thấy viết hoài mà chẳng thấy sản phẩm nào?”. Cười buồn thôi, vì đúng là nghề của mình không bao giờ có sản phẩm đứng tên mình.
Ghostwriter là làm những gì? Viết tất cả những gì được đặt hàng. Chỉ có những thứ người khác không tưởng tượng được chứ không có thứ Ghostwriter không từng viết. Viết sách thay người khác, viết kịch bản quay phim, viết kịch bản thuyết trình, viết giáo trình thay, viết luận văn hộ, viết bài dự thi hộ, viết bài website, thậm chí viết cả thư tình và đơn ly hôn.
Nghề viết thuê có khó không? Khó chứ! Nhìn danh sách hỗn độn ở trên là biết người viết thuê phải có thật nhiều kiến thức. Phải hiểu biết đa dạng, phải linh hoạt văn phong. Thậm chí phải ép cái tôi và cái – thuộc – về – mình xuống thấp nhất để làm việc. Nếu viết cho mình ta có thể tự do phiêu. Nhưng viết cho người thì buộc phải ép bản thân vào một cái khuôn sao cho giống với tư duy của người đứng tên tác giả.

Nghề viết thuê là nghề đổi kỹ năng lấy tiền. Kỹ năng thì rất khó học. Nhưng không phải lúc nào sản phẩm cũng được trả rất rất nhiều tiền. Một bài viết đăng web chục trang chỉ có hai trăm ngàn. Một bản thảo sách vài trăm trang có khi chỉ được trả chục triệu đồng. Nhưng cũng có bài tản văn hai trang được trả trên triệu bạc. Giá viết thuê là vô chừng, đòi sao là do mình, trả nhiêu là do khách.
Nghề viết thuê càng ngày càng nhiều người chọn, mức giá vì thế cũng đảo lộn và chào giá trở thành chiến trường khốc liệt giữa các đồng nghiệp chưa từng thấy mặt. Người hiểu và trân trọng sản phẩm thì còn trả phí cao hoặc thông cảm cho những lần trễ hạn. Nhưng số đó thực sự là “hàng hiếm”. Hầu hết khách thuê viết chỉ muốn nhận sản phẩm hay nhất, viết nhanh nhất với mức giá thấp nhất. Có những khách hàng còn cố tìm cách trừ đầu trừ đuôi vì “viết có mấy chữ mà đòi trăm bạc”. Chẳng ai muốn tìm hiểu người viết thuê đã phải học những gì, thức đêm ra sao, viết lên rồi sửa lại cả trăm lần trước khi giao bản thảo thế nào.
Chọn làm ghostwriter là chấp nhận ẩn mình sau tất cả, chấp nhận những sản phẩm bản thân viết ra đứng tên của một người lạ nào đó. Nhưng đôi lúc vẫn thấy nhói lòng vì những đứa con sẽ bị cắt gọt, chỉnh sửa, thậm chí là bóp lệch đi so với dụng ý nguyên bản.
Viết thuê là cần câu để kiếm cơm. Nhưng chén cơm của văn chương không hề dễ nuốt. Tản Đà bảo “Người viết báo, kẻ bán văn/ Sinh nhai cán bút kiếm ăn lần hồi”. Xưa đúng và nay cũng vẫn đúng. Việc sinh nhai bằng ngòi bút là việc khó khăn đến chừng nào? Ai thấu?