Trải qua bao thăng trầm lịch sử, cuộc sống mưu sinh gắn bó với nghề tằm tang, làng Cổ Chất, Nam định từ lâu nổi tiếng khắp gần xa với nghề ươm tơ dệt lụa. Cổ Chất vừa yên bình, vừa nhộn nhịp lại vừa rất nên thơ…
Độc đáo làng nghề ươm tơ Cổ Chất
Dù đã nghe về cái tên Cổ Chất khá nhiều lần rồi song đến tận bây giờ tôi mới có dịp được ghé thăm làng nghề nổi tiếng này. Từ trung tâm thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định đi khoảng 30km về phía Đông Nam, làng Cổ Chất nằm nép mình bên dòng sông Ninh Cơ hiền hòa – nơi khởi sinh ra loại tơ tằm đẹp nhất, nổi tiếng nhất đất Thành Nam.
Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân tới làng là một không khí yên bình choáng ngợp. Có gì đó thật gần gũi, có gì đó rất đỗi chân quê. Những bó tơ vàng, tơ trắng được phơi dài trên những sào tre trước nhà. Từ trong mỗi mái ngói rêu mốc vọng ra tiếng lạch cạch đều đều của những máy kéo tơ thủ công. Âm thanh ấy là âm thanh của lao động cần cù, là âm thanh của làng quê đã đi vào trong tiềm thức của bao người con nơi đây.
Nghề tằm tang truyền đời
Người dân làng Cổ Chất từ bao đời nay đã sống bằng nghề ươm tơ dệt lụa. Theo lời người dân trong làng, tôi được biết nghề này đã có từ vài trăm năm nay, được truyền từ đời này sang đời khác. Trước kia nghề ươm tơ là nghề chính tạo thu nhập cho gia đình, nhà nào cũng có ít nhất hai đến ba xưởng ươm tơ. Song ngày nay do nhiều điều kiện khác nhau mà người ươm tơ thưa dần, người trong làng chỉ giữ lại bí quyết ươm tơ – một bí quyết có một không hai trong nghề tằm tang đã tạo nên niềm tự hào cho người dân nơi đây.
Công việc tại làng nghề Cổ Chất có tính thời vụ. Sau Tết khoảng một tháng là giai đoạn bắt đầu của vụ ươm tơ. Đến tháng 9 âm lịch là hết chính vụ. Ngoài ra, nếu có kén và thời tiết thuận lợi, người làm nghề có thể làm thêm vụ tằm ép vào tháng 12 dương lịch.
Những nghệ nhân ươm tơ
Để tạo ra những bó tơ óng ả thì công đoạn ươm tơ đòi hỏi phải thật khéo léo. Khi chọn kén phải chọn kén tốt, kén xấu là không thể đem ươm được. Sau 3 ngày khi kén thành nhộng thì đem xuống bếp ươm. Thoạt nghe thì sẽ tưởng dễ dàng nhưng phải khi được tận mắt chứng kiến công đoạn ươm tơ, bạn sẽ hiểu được sự kì công, khéo léo, tỉ mỉ quan trọng đến mức nào.
Công việc kéo tơ được thực hiện trong các xưởng, những thợ lành nghề tập trung lại thành từng nhóm. Đa phần những người kéo tơ là phụ nữ đủ mọi lứa tuổi. Cứ một người ngồi đảo kén, một người ngồi kéo tơ. Kén tằm cho vào nồi nước đun sôi khoảng 70-80 độ C chứ không phải sôi quá 100 độ C, vì khi nước nóng quá thì tằm sẽ bị lấy cả tơ gốc, sợi tơ sẽ thô và không đều. Kén được đôi tay người thợ khỏa liên tục trong nồi nước rồi thi nhau nhảy lên bàn kéo sợi. Sợi tơ chui qua những lỗ nhỏ rồi cuốn vào những con suốt chạy vào guồng tơ quay tít bắc ngang nồi nước và trở thành những con tơ.
Những sợi tơ sau khi kéo sợi sẽ được đem ra phơi nắng. Màu nắng hòa cùng màu tơ khiến những bó tơ thêm óng ả. Bởi kĩ thuật ươm tơ kì công đến thế mà tơ Cổ Chất nổi tiếng đẹp và có chất lượng cao. Sợi tơ thanh mảnh, mềm mại nhưng rất bền, không dễ đứt và có màu sắc sáng bóng bắt mắt. Những sợi tơ này sẽ dệt lên những tấm lụa mềm mại, những tà áo dài thướt tha tôn lên vẻ duyên dáng của người con gái Việt Nam đồng thời những bó tơ chất lượng cũng được các lái buôn về tận làng đặt mua để xuất sang Thái Lan, Campuchia hay Lào.