Các cụ vẫn thường nói: “Dạy con từ thuở ấu thơ. Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”. “Dạy” vợ ở đây trong suy nghĩ và quan điểm của mỗi người rất đa nghĩa và ý nghĩa của từ “dạy” cũng thay đổi rất nhiều qua năm tháng.
Người vợ dưới chế độ cũ sẽ hoàn toàn khác với người vợ trong thời đại hiện nay. Sẽ chẳng áp dụng một quy chuẩn dạy vợ nào cho một giai đoạn phát triển nào của xã hội cả. Nhưng dù ở thế kỉ nào nếu “dạy” vợ bằng cả tấm lòng yêu thương của người chồng, của gia đình chồng thì họ sẽ luôn giữ lửa được hạnh phúc.
Mình cực kì phục những người đàn ông nào dám nói “Tôi sợ vợ lắm!” trước đám đông và không bao giờ lay động bởi những lời đả kích từ những kẻ bên ngoài. Cái cách nói “Tôi sợ vợ lắm!” nghe mới yêu thương làm sao. Nó không phải thể hiện sự yếu đuối của người chồng để người vợ hả hê, đắc ý đâu. Đừng nghĩ thế! Mà đó là cách “làm gương” cho người vợ một cách tinh tế nhất, ấm êm nhất. Bản thân người vợ khi được nghe câu nói ấy tự biết rèn giũa mình, tự biết cách chăm lo cho chồng, chăm lo cho gia đình một cách tự nguyện và thật tâm. “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ” luôn đúng ở mọi thời điểm. Chỉ khi gia đình yên ấm thì các anh mới yên lòng đầu đội trời chân đạp đất để đạt được những công danh. Chỉ cần khi đạt đến vinh quang thì lòng dạ vẫn sắt son nhớ về những ngày gian khó.

Im lặng luôn là đỉnh cao của âm thanh. Không phải cứ gào thật to, nói thật hay, thật đau là đã khiến người khác khiếp sợ, nể phục. Càng như thế càng khiến người ta khinh thường và mọi thứ dễ vỡ tan như mớ bòng bong. Người vợ luôn nhìn người chồng để sống. Nhà Phật nói rằng người chồng đóng vai trò là trụ cột gia đình, là người anh, là người bạn của người vợ. Vậy sống để làm gương cho vợ chẳng phải là việc đáng nên làm sao? Vậy thì, khi “dạy” vợ các anh đừng hoa chân múa tay, thao thao bất tuyệt. Nó chẳng vào đầu chúng em đâu, nó chỉ cho chúng em thấy cái sĩ diện của các anh thật ấu trĩ!
“Mày sợ vợ thế cơ à? Là tao, chỉ một câu thôi là nó một phép. Lúc cần thiết thì giã cho trận. Như mày làm xấu mặt bọn đàn ông!” Và những người chồng này những tưởng vợ sợ mình thật, những tưởng vai trò của mình là giữ nề nếp gia phong. Trời ơi! Nực cười quá đi. Cái nếp nghĩ đó không thể nào phù hợp trong xã hội ngày nay nữa. Và cứ mỗi lần như thế là sự tôn trọng người chồng giảm đi một bậc. Khi nó bằng một con số 0 tròn trĩnh thì mọi thứ sẽ đi trật đường ray. Người vợ đoan trang hôm nào nay trở thành mụ già lắm mồm, nói năng tục tĩu, gớm ghê vô chừng. Rồi theo thời gian người chồng cho rằng đó là lý do mình chán vợ và có những tư tưởng khác.
Trong những cuộc cãi vã, khẩu chiến, ai là người im lặng trước, dừng lại trước không phải là thua cuộc mà đó là cách họ giành phần thắng. Nói đến tận cùng để được cái gì? Để vùi dập được vợ hoặc chồng thì mới hả hê?

Dạy con từ thuở còn thơ
Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về
Các cụ dạy cấm sai bao giờ nhưng con cháu toàn làm sai ý các cụ. Dạy vợ không còn cách nào thông minh hơn bằng cách cứ lẳng lặng mà làm gương. Nay anh mua thùng bia biếu bố mẹ vợ, mai em mua áo ấm cho mẹ chồng. Nay anh dù bận việc nhưng vẫn tranh thủ đưa con đi học, mai cơ quan em có tiệc tùng em cũng xin phép về sớm để đón con. Nay anh phụ em nấu nướng, mai em chiêu đãi anh món sở trường.
Cứ thế làm gương cho nhau để tôn trọng nhau mà bước tiếp. Hạnh phúc không phải là niềm mong ước mà là sự vun đắp không ngừng của hai bên từ những việc nhỏ nhất. Hạnh phúc đâu cân đo được bằng vật chất, cũng chẳng phải đắp lên người đối phương những thứ cao sang, hay chiêu đãi nhau bằng những sơn hào hải vị. Hạnh phúc đến từ những điều bình dị tưởng chừng như nhỏ nhặt. Vợ sẽ vui biết bao khi được chồng nói những câu yêu thương trước khi rời khỏi nhà vào buổi sớm và hội tụ vào bữa cơm tối trong tiếng cười hân hoan. Vợ sẽ hạnh phúc biết nhường nào khi chồng quẳng chiếc điện thoại ra một bên để chơi cùng con cái hay giành thời gian tưới tắm cho khoảnh rau trên sân thượng. Đó! Chỉ đơn giản thế thôi mà!
Và chồng ơi, đi đâu thì mình cũng đừng khoe khoang gia đình tôi hạnh phúc nhé! Sẽ là mục tiêu châm chích của người đời. Người ta sẽ đủ hiểu điều đó mà chẳng cần mình ra sức thể hiện. Giữa bao sóng gió bủa vây, nếu cứ còn có câu “Tôi sợ vợ lắm!” tức là chồng vẫn là chỗ dựa vững chắc của đời em. Nhé!
XEM THÊM CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC TẠI ĐÂY
XEM THÊM BÀI VIẾT CHUYÊN MỤC KHÁCTẠI ĐÂY