Ly cốc tai trị giá hơn 100 đô tại khách sạn 7 sao Burj Al Arab, những tấm hình selfie chụp lia lịa trước kim tự tháp Ai Cập hay khu lăng mộ Taj Mahal, thưởng thức tiếng đàn Accordion vang vang kèm những vũ điệu dân tộc tươi tắn ở Rumani,… Cuộc sống như thế có đáng ngưỡng mộ hay chăng?
Năm châu bốn biển!
… Thuở nhỏ tôi hay lấy cái ghế gỗ làm từ một tấm ván dài của bà ngoại, đem ra giữa khoảng sân nhỏ, hai tay gối đầu ngước nhìn lên trời sao. Hồi ấy vô ưu, cứ ngỡ một ngày đủ cao lớn thì có thể với tay hái lấy một “chú” hết mực xinh xắn đem về bỏ vào lọ khoe với chúng bạn.
Sau này biết biết hơn chút, liệu có ai ở đây giống như tôi, cứ thắc mắc không biết thế giới ngoài kia có gì? Những người đồng trang lứa với tôi ở Úc, Mỹ họ có đang đi học ngày 2 buổi, chiều chiều vi vu khắp ruộng đồng bao la?
Tuổi thơ dài rộng mấy cũng không thoát được lúc trưởng thành. Tôi tình cờ gặp “Quảy gánh băng đồng ra thế giới”, cuốn sách được đúc kết từ hơn 20 năm trải nghiệm sống và làm việc quốc tế của một doanh nhân Việt – Nguyễn Phi Vân. Tiêu đề làm tôi thực sự có cảm tình, chiếc “gánh” thân thương mỗi lần quê nhà đến mùa lúa hiện ra trước mắt, hình ảnh một con người Việt Nam chân chất, mang hoài bão lớn lao băng đồng bước ra với thế giới. Cuộc hành trình đấy có vẻ gian nan nhưng không có lấy một dấu phẩy nghỉ ngơi, “chưa đi nhưng biết mình đã đến, đó là điều bạn cần làm trước lúc ra đi!”.
Ấn tượng ban đầu khá tốt, bìa sách màu nâu cam ấm áp, trình bày nửa trên rõ ràng còn nửa dưới lại “khiêu khích” mời gọi. Tính tôi bao giờ cũng thế, cầm quyển sách mới là lật ngay vào giữa xem nó nói về cái gì, học thuật hay là kể chuyện, nghiêm túc hay là tếu táo. Giọng văn vừa tự sự, vừa bộc bạch cái tâm của một công dân toàn cầu, cộng thêm kiến thức trình bày dạng khoa học thường thức, “Hợp gu mình quá!” – thế là lại lật lại trang đầu, dõi theo một cách ngấu nghiến.

Ếch du hí!
20 chương của cuốn sách được trình bày độc lập, mỗi chương lại nói về tinh thần đặc trưng nhất của con người, đất nước mà tác giả đi qua. Trong hành trình đằng đẵng ấy, Nguyễn Phi Vân luôn tự nhận mình là “ếch”. “Có những lúc trong cuộc sống, ta cần những người nói thật, dù sự thật rát như phải nuốt cơm khô…Sốc cũng được. Ngỡ ngàng cũng chẳng sao! Tôi đã từng là một con ếch. Nhưng con ếch nọ một ngày kia đã đi ra thế giới, nhìn thấy UAE, và có một tầm nhìn” – Chương 1: Tầm nhìn sa mạc.
Những câu chuyện được kể từ góc nhìn “chỉ có người trong cuộc mới biết” luôn khiến người ham hóng hớt như tôi phải trầm trồ thích thú. “Mỗi lần ghé thăm Dubai, tôi đều gặp và ăn tối với Abdul Rahim…Là ông chủ của một tập đoàn, nắm trong tay một gia sản tính bằng tỷ đô la, vậy mà lúc nào cũng chỉ mặc đúng bộ áo trắng tay dài, đội khăn quấn đầu và đi đôi dép kẹp trông xuềnh xoàng hết sức. Nói gì cũng cười hề hề, nhưng lúc cần đàm phán thì không ai chịu nổi”, hay “Bước từng bước lạc lõng trên con đường đất nhỏ xíu dẫn vào Kim Tự Tháp, những quán hàng lưu niệm ọp ẹp, mùi phân động vật ngây người. Đường vào vĩ đại là như thế này ư? Bối rối!” – Chương 6: Pha Ra Ông và giấc ngủ ngàn năm.
Mỗi quốc gia là một nét vẽ, cứng cáp có, mềm mại có, tưởng như tách biệt mà lại gắn kết, tô điểm cho bức tranh “Tầm nhìn” của ếch trở nên bao quát. Cuốn sách không phải là cú “xoa đầu” Việt Nam, mà trên hết nó là cái tâm của một công dân toàn cầu đã lặn lội hơn 60 quốc gia, từ một chân chạy bàn đến vị trí Tổng giám đốc khu vực châu Á của một tập đoàn hàng đầu thế giới, muốn gửi đến lớp trẻ nước nhà: “Hãy đừng đi như một kẻ mộng du, hãy nhắm mắt và tưởng tượng điểm đến của tâm hồn trước – chưa đi mà đã đến”.
Tác giả luôn đau đáu về cái gọi là “tầm nhìn”, với những lợi thế của con người Việt Nam: thông minh, sáng tạo, cần cù, chịu khó…, làm thế nào phát triển vị thế đất nước trên trường quốc tế. Làm giàu bằng nguồn vốn tự có của chúng ta? Tại sao không?
Ra thế giới!
Mỗi đất nước đem lại cho ếch một bài học, ếch ghi lại và gửi những lời đúc kết đó vào “Quảy gánh băng đồng ra thế giới”. Gấp cuốn sách, tôi trầm ngâm mãi về vị thế của chính mình. Nhiều lúc loay hoay không biết mình là ai và không biết mình đang đại diện cho điều gì nữa.
Có lẽ phải thử làm một điều gì đó, nhưng trước tiên là…tìm lại chính mình đã. Giống như ếch nói: “Hai mươi mấy năm sau, hành trình đi ra thế giới với tôi là hành trình trở về nguồn cội, trở về nơi nuôi dưỡng hạy giống tâm hồn. Đi để học cách yêu thương con người. Đi để biết cái tôi khổng lồ không là gì trong sự hiện hữu của vũ trụ. Đi để hiểu khái niệm vô cùng tương đối của được và mất. Đi chỉ để tìm lại chính mình!”.
XEM THÊM CÁC CUỘC THI VIẾT KHÁC
XEM THÊM BÀI VIẾT CHUYÊN MỤC KHÁC SỐNG GIÁ TRỊ
Tags: #các cuộc thi viết #cuộc thi review sách #cuộc thi viết sống giá trị #cuộc thi viết tháng 10 #review quảy gánh băng đồng ra thế giới
Cám ơn BTC đã duyệt bài viết của mình!