Vào khoảng năm tàn tháng hết, ở miền Nam nước Việt có những buổi tối đìu hiu lạnh như mùa thu đất Bắc.
Gió buồn đuổi lá rụng trên hè. Mây bạc nặng nề trôi đi chầm chậm như chia mối buồn của khách thiên lý tương tư…
Không biết từ bao giờ, tôi lại yêu những cuốn sách viết về Hà Nội đến thế. Hà Nội trong tim tôi là hình ảnh của những con ngõ nhỏ rẽ qua khu chợ chiều, là mùi vị bánh bao thơm đến nức mũi, là những ô cửa kính màu qua thời gian và lắng đọng lại bên những quán nhỏ ven đường là hương vị của những miếng ngon đặc trưng nơi Thủ đô yêu dấu. Đã vài lần nghe tới tên cuốn sách “Miếng ngon Hà Nội” của Vũ Bằng, lòng tôi không thể không thắc mắc tại vì sao tác giả lại không đặt là “ Món ngon Hà Nội”.
Sau vài lần ngồi suy nghĩ đắn đo, phân tích mổ xẻ đủ điều, cuối cùng tôi chỉ rút ra được vài ý đơn giản như sau. Sở dĩ, từ “miếng” mang một vẻ gợi hình hơn bao giờ hết, nó mảnh mai, chắt chiu từng chút một lại thành nhiều món. Còn nếu nói là từ món thì nghe có vẻ như cô đặc hơn, không bao quát được hết ý mà tác giả muốn truyền đạt và đặc biệt là không tạo cảm xúc cho người đọc, người nghe. Nhưng suy cho cùng, nhan đề có được đặt là gì đi nữa, cũng không quan trọng, quan trọng là ở chỗ ta biết nắm bắt nội dung để đi cảm nhận về vẻ đẹp trữ tình nơi con chữ mộc mạc nhưng đậm chất hoài niệm của tác giả :
“Đi trong gió lạnh lùng, tôi nhớ đến những buổi sum họp êm đềm, nhớ đến những bữa cơm thân mật, tôi nhớ đến những miếng ngon gia dụng và đêm đêm tôi đã ghi những nhận xét và cảm xúc đó lên trên mặt giấy”…….
Ta đọc từng con chữ mà như thấm hết được cái tình của tác giả gửi gắm vào trong đó. Hà Nội đối với Vũ Bằng khi ấy là một miền đất yêu thương xa thẳm, không biết đến bao giờ mới gặp lại, trong ông khi ấy luôn nung nấu một nỗi niềm tượng tư khó tả.
Ông viết : “ Nhớ đến những quà ấy, không phải là nhớ đến Hà Nội mà thôi, nhưng là nhớ tất cả một dải đồng bằng phì nhiêu Bắc Việt, có sáo sậu nhảy trên lưng bò với những người nhà quê vạm vỡ cày ruộng, với những cô gái vừa hát vừa quay tơ, với những đứa trẻ chăn trâu mặt mày lem luốc, nhưng trông duyên dáng biết bao nhiêu !”
Hà Nội hôm nay đã đổi thay muôn phần, nhưng có lẽ trong tiềm thức của những con người nơi đây, có một thứ gì đó vẫn luôn được gìn giữ muôn đời. Ta nghiệm thấy rằng :“ Tâm tánh người Hà Nội đổi thay, phố xá, nhà cửa thay đổi, mà cái mặc của người Hà Nội cũng khác xưa, duy chỉ có một thứ không thay đổi: là cái ăn của người Hà Nội.
Nghệ thuật ẩm thực kết tinh cùng với những nét đẹp phồn hoa, mĩ lệ đã tạo nên cái “hồn ” cho mảnh đất Thủ đô yêu dấu. Đọc cuốn “Miếng ngon Hà Nội” ta không chỉ được hòa mình vào trong hương vị của những miếng ngon, miếng lạ mà trên hết ta còn được học cách thưởng thức nó sao cho “đáng đồng tiền bỏ ra”. Một bát phở ngon khi mà nước dùng của nó đậm chất ngọt từ xương, bánh phải dẻo, thịt phải mềm, tẩy gừng vừa vặn không nồng, tra mắm muối đều tay, không mặn mà cũng không quá nhạt. Bánh đúc chấm tương mà ăn vào một buổi trưa hè thanh vắng, xa xa có tiếng ve kêu rền rĩ thì ta có thể dám chắc ăn mãi như vậy mà không chán. Thú thật, ngày bé tôi không được thích bánh đúc cho lắm, bởi ở cái thời trẻ con ấy, tôi chưa biết cảm vị, chỉ và vào miệng là ăn thôi.
Sau này lớn hơn chút mới thấy thật ra bánh đúc cũng mang những phong vị rất đặc trưng của nó. Bánh mềm mà cắn nhai một miếng thì cứ dẻo quẹo đi trong miệng, mùi hương thoang thoảng, ăn mát mà thanh đạm. Ôi! Chỉ cần thoáng nghe những lời dịu ngọt ấy cũng đủ khiến cho vị giấc của bao người dâng lên nỗi thèm thuồng.
Quà Hà Nội đâu chỉ có vậy, quà Hà Nội còn nhiều, và nhiều thứ lắm : bún chả thơm mà đậm vị, gỏi ăn mát mà cũng rất mỡ màng, ngô rang, khoai lùi ăn bùi, xôm xốp, vị giòn tan của nó mang cho con người ta bao vẻ thích thú về cái thứ tiếng nghe rất đỗi vui tai. Mẻ cốm vòng mang một phong vị nơi đồng thơm, lúa chín, một thức quà trang nhã để đem biếu họ hàng, người thân ruột thịt.
Người ta thường nói : “ Hà Nội đẹp từ những nét vẽ đơn sơ ” phải chăng cũng là như vậy
Tôi thiết nghĩ những thức quà ấy không chỉ đơn giản là những món ngon theo tên gọi bình thường của chúng, mà hơn hết nó đã trở thành một linh hồn trong nghệ thuật sống của bao thế hệ đời người.
Lật mở từng trang sách cuối cùng, lòng tôi không khỏi rạo rực lên một nỗi niềm thương nhớ xa xôi, sâu thẳm. Cảm ơn Vũ Bằng vì đã tạo nên những vẽ đẹp đến mê mẩn như vậy. Cảm ơn vì ông đã đưa con người đến gần hơn với những giá trị ý nghĩa trong cuộc sống và để từ đó, mỗi người sẽ luôn hiểu được rằng : “ Văn chương là linh hồn của nhân loại ”.
XEM THÊMCÁC CUỘC THI VIẾTKHÁC
XEM THÊM BÀI VIẾT CHUYÊN MỤC KHÁCSỐNG GIÁ TRỊ