Cuộc thi review sách “CSCVTT”: Lên xuống dòng đời

“Lên xuống dòng đời”- nghịch cảnh không đáng sợ, hãy tập làm bạn với nó

Khi nhỏ bạn lầm tưởng cuộc đời là một mặt phẳng và khi lớn lên bạn mới biết nó là mặt phẳng đó, nhưng ẩn sâu bên trong là những nhịp đập lên xuống của cuộc đời. Lúc nó mạnh mẽ đưa bạn lên đỉnh cao và có lúc nó cũng sẽ vùi dập bạn đến đáy của cuộc đời. Chính vì thế, không có gì là mãi mãi, dù bạn đang ở một vị trí được người đời ngưỡng mộ, nhưng…sau 1 phút bạn trở thành một người mà không một ai công nhận tôn trọng. Bạn sẽ làm gì trong trường hợp như vậy? Nếu chưa có câu trả lười thì hãy đọc cuốn sách “Lên xuống dòng đời” của Cai Mingjie, bạn sẽ tìm ra được câu trả lời riêng cho mình.

Lên xuống dòng đời cscvtt songgiatri
“Lên xuống dòng đời”- cuốn sách bán chạy nhất Singapore

Cuốn sách “Lên xuống dòng đời” là cuốn nhật ký của Cai Mingjie xuất bản khi ông đã được 61 tuổi. Cuốn sách chỉ là những dòng ghi chép lại của một tài xế taxi ở Singapore. Nhưng bạn ơi, điều đặc biệt chính là người lái chiếc taxi đó, ông là một vị Tiến sĩ đầu ngành Sinh học ở Singapore, người góp công lớn trong việc phát triển ngành nghiên cứu Sinh học tại đất nước nhỏ bé nhưng mà hiện đại này. Một vị Tiến sĩ bỗng trở thành người lái taxi ? một sự hoang mang đến vô bờ dành cho người đọc. Phải chăng người Tiến sĩ này đang muốn trải nghiệm cảm giác làm việc ngoài trời thay vì ngồi trong phòng máy lạnh nghiên cứu với những đồ vật vô tri vô giác hay sao? Không, ông phải từ nơi ánh hào quang sáng chói đến nơi tận cùng xã hội Singapore bởi sự thay đổi cơ cấu của viện nghiên cứu, biến ông từ một vị giáo sư, tiến sĩ đầu ngành trở thành một người thất nghiệp, vì mưu sinh cho bản thân, gia đình ông đã phải chọn nghề lái taxi khi tuổi đã về xế chiều.

Bạn chắc chắn biết rằng, từ không có gì, từ bàn tay trắng nỗ lực vươn lên từng ngày để thành công là một điều hiển nhiên, một điều tất yếu. Nhưng bạn đã nghĩ đến cảm giác từ một người có đầy đủ tất cả lại bắt đầu lại từ đầu thì họ sẽ cần những gì không? Điều họ cần nhất đó chính là lòng dũng cảm. Cai Mingjie phải bỏ qua mọi ánh hào quang của trước đó, chấp nhận cuộc sống khó khăn bủa vây muôn trùng xung quanh ông. Một công việc mà được coi thấp kém nhất của Singapore lúc bấy giờ, ông phải chắp nhặt từng đồng, gặp rất nhiều khó khăn ngay khi bắt tay vào, ông phải chiều lòng tất cả mọi hành khách và những rắc rối: khách nước ngoài, người trẻ, người già, gái mại dâm, ông bị oan, gặp khách hàng khó tính, không quen thuộc đường đi,…để nhận được những đồng lương ít ỏi còn lại lo cho gia đình.  

Nhưng điều đặc biệt ở Cai Mingjie mà ông muốn gửi đến người đọc là những triết lý, những trải nghiệm mà ông học được sau sáu tháng lái xe chứ không phải đơn giản chỉ là những dòng kể của ông và những sự việc xảy ra xung quanh ông. Sáu tháng làm nghề lái taxi, ông được tiếp xúc với nhiều tầng lớp, nhiều loại người trong xã hội mà trước đó khi làm việc trong viện nghiên cứu ông không thể có được. Ông đã đúc kết cho mình cách nhìn nhận một con người qua hành xử và giao tiếp của họ. 

Trước hết, ông hiểu rằng đánh giá con người không nên đánh giá ở vẻ bề ngoài. Có câu: “đừng trông mặt mà bắt hình dong” có lẽ phù hợp với triết lí của ông. Có người bên ngoài rất hào nhoáng, lịch sự nhưng bên trong cư xử rất thiếu văn minh hoặc là tính toán từng đồng để đem lại lợi ích trước mắt cho mình. Còn những người đôi khi họ ăn mặc xuề xòa, hay thậm chí họ nghèo thật sự nhưng họ lại cư xử rất có văn hóa và đầy lòng tự trọng. 

Điều thứ hai ông học được đó chính là trong cuộc sống cần có sự sẻ chia. Trong hành trình sáu tháng làm nghề lái taxi, ông đã được nghe rất nhiều câu chuyện của hành khách trên hành trình. Ông hiểu họ hơn và họ cũng hiểu ông hơn. Cuộc sống không phải chỉ giữ cho riêng mình, mà bên cạnh đó là sự giúp đỡ, sẻ chia cho nhau, dù là người lạ đi qua cuộc đời mình đi chăng nữa. Những hành khách giúp đỡ ông bằng việc “tip” thêm hay đơn giản là những lời an ủi, động viên và ngược lại, ông chia sẻ cho hành khách của mình bằng việc giảm tiền xe, hay chỉ là những câu nói, những sự giúp đỡ. Hãy lan tỏa tình yêu thương đến mọi tầng lớp xã hội.

Điều thứ ba, chính là cần phải va chạm cuộc đời nhiều hơn. Có lẽ, gần 1/3 của cuộc đời mình của ông bị bó hẹp bởi những nghiên cứu, tránh xa môi trường sống phức tạp bên ngoài vì thế khi tuổi đã xế chiều ông lại may mắn được trải nghiệm nó. Thất nghiệp ở viện nghiên cứu đứng ở một khía cạnh khác đôi khi là một việc tốt. Bởi nó giúp ông hiểu rõ về cuộc đời mình đang sống hơn, được va chạm xã hội để thấy cuộc đời có thú vị, có những bất công ra sao. Ông đã hiểu hơn về cái xã hội đa sắc tộc, đa văn hóa của mình. 

Và điều quan trọng nhất của ông đó chính là hãy bình thản đối mặt với những nghịch cảnh của cuộc đời bạn. Đừng nghĩ nó là vận xui, mà hãy nghĩ nó như là một thách thức để bạn khám phá những điều mà lúc trước bạn chưa được khám phá nó. Câu nói của Cai Mingjie sau khi kết thúc việc lái xe taxi: “Dù tôi có làm gì trong tương lai, sức mạnh và sự khôn ngoan mà tôi có được trong sáu tháng này sẽ còn ở lại với tôi trong nhiều năm tới”.

Cuộc đời là một loại sự thử thách, nó không đưa bạn đến vị trí cao nhất, cũng không đưa bạn đến vị trí tận cùng mà quyết định bạn ở vị trí nào là do quá trình bạn dừng lại quỳ gối hay bạn vững vàng bước tiếp trên con đường đầy ắp sỏi đá, gai nhọn mà thôi. Cai Mingjie đã vượt lên chính số phận, nghịch cảnh của ông bằng sự dũng cảm, sự sẻ chia yêu thương để học điều sự chín chắn và mạnh mẽ. Còn bạn thì sao? Hãy cho chúng tôi biết câu trả lời sau khi đọc cuốn sách này nhé. 

Lưu Thị Hòe

XEM THÊM CÁC CUỘC THI VIẾT KHÁC 

XEM THÊM BÀI VIẾT CHUYÊN MỤC KHÁC SỐNG GIÁ TRỊ

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận