Nếu bạn chỉ đọc một phần nhỏ tác phẩm này trong chương trình SGK hoặc chưa đọc hết quyển sách thì bạn không thể cảm nhận được trọn vẹn cái hay mà quyển sách mang lại. Thật sự mà nói, đọc “Lão Goriot” làm tôi khóc rất nhiều, khóc vì thương ông lão đã dành cho các con mình một tình yêu thương vô bờ bến, một tình yêu thương chân thành từ tận đáy lòng mà không có điểm dừng. Chỉ cần được ngắm nhìn chúng, được chúng đáp lại bằng một nụ cười thì cũng đủ làm “sáng rực cả không gian quanh ‘lão’ như thể có những tia nắng ấm áp soi rọi vào.” Và ngay cả khi nghĩ đến cái chết, lão Goriot cũng không thể không nghĩ đến các con “một người đã chết mà tâm hồn còn lảng vảng khắp những nơi nào mà các con ta đến.” Lão đã cho các con lão rất nhiều nhưng đến khi chúng đến nài nỉ van xin, lão lại sẵn sàng quét cạn mọi tài sản, không chừa một đồng nào, lão cho chúng tất. “Nếu chúng vui vẻ, nếu chúng hạnh phúc, ăn mặc đẹp đẽ, nếu chúng chạy trên thảm, tôi có thể đắp bất cứ loại chăn nào và ngủ ở bất cứ đâu!… Tôi sẽ chỉ buồn với nỗi buồn của chúng thôi… một ánh nhìn của chúng có chút buồn sẽ khiến máu tôi ngưng đọng lại.” Ông lão đã dành cả cuộc đời mình chỉ để yêu thương, chỉ để nghĩ về những đứa con thân yêu của mình.
Thế nhưng cái xã hội thượng lưu phù phiếm ấy lại không có chỗ cho tình yêu thương chân thành, ở đó người ta chỉ dung túng cho những thứ tình cảm giả dối vụ lợi, một xã hội như vũng bùn bẩn thỉu. “Quả chanh đã bị vắt kiệt, rồi chính các cô con gái lại đem miếng chanh ấy vứt bỏ ở góc đường.” – Một sự thật tàn nhẫn đến đau lòng… Nhưng lão Goriot không quan tâm tới việc ấy, chỉ cần được ngắm nhìn các con hạnh phúc là lão đã đủ mãn nguyện rồi. Ngay cả khi hấp hối, ông lão vẫn mãi nghĩ về các con dù chúng vô tâm cứ nghĩ cha mình còn khỏe mạnh. Lão không ngừng nhắc về chúng “Chúng đang nhảy kìa! Con bé đã có cái áo của nó”. Nhưng sự thật phũ phàng vẫn luôn dai dẳng từ đầu tới cuối tác phẩm, không đứa nào đến từ biệt lão lần cuối cả. Khi lão chết cũng không có một đồng để an táng, chỉ nhờ vào số tiền ít ỏi của hai chàng sinh viên tốt bụng. Đáng khinh hơn, chỉ có hai chiếc xe mang gia huy dòng họ nhà chồng các cô đến, còn trên xe thì trống rỗng. Còn gì phũ phàng hơn thế nữa… Đọc đến đây, tôi nghĩ ai cũng sẽ nghẹn ngào tự hỏi rằng: Tại sao một người cha đáng kính như vậy lại chịu một cái chết bi thương đến thế? Tại sao các con lão không thức tỉnh sớm hơn?
Tác phẩm là một bài học đáng giá trong cuộc sống, thức tỉnh chúng ta rằng chỉ có cha mẹ là người yêu thương chúng ta vô điều kiện, đừng bao giờ phản bội lại tình cảm thiêng liêng ấy. Và hãy bày tỏ tình yêu thương cũng như lòng kính trọng đối với cha mẹ trước khi quá muộn. Đừng để đến khi bi kịch xảy ra thì mọi thứ điều chỉ còn là dĩ vãng.
“Lão Goriot” chỉ là một phần mở đầu cho “Tấn trò đời” đồ sộ của Balzac thôi nhưng cũng đủ phô bày bộ mặt xã hội một cách trần trụi, đã lấy đi không ít nước mắt cũng như sự căm phẫn hiện thực xã hội trong lòng đọc giả. Không chỉ xoay quanh câu chuyện về lão Goriot, tác phẩm còn có những nhân vật đại diện cho từng tầng lớp xã hội mang tính cách điển hình qua đó lên án những bất công trong xã hội đương thời.
XEM THÊMCÁC CUỘC THI VIẾTKHÁC
XEM THÊM BÀI VIẾT CHUYÊN MỤC KHÁCSỐNG GIÁ TRỊ