Webster ám ảnh nhiều về cái chết
Và nhìn thấy xương sọ dưới lớp da
Những sinh vật không ngực sâu trong đất
Ngả về sau trong nụ cười không môi
-T.S.ELIOT, “Lời thì thầm của bất diệt”-
Khi không còn hơi thở, những điều phía trước chỉ còn là mong đợi.
Khi đọc đến đoạn Paul nghe tin Jeff- một người bạn, một bác sĩ khoa Ngoại tổng quát, tử tự khi gặp biến chứng rối loạn và bệnh nhân của mình chết. “Thứ cảm giác tội lỗi lấn át, như một cơn thủy triều, đã nâng anh lên và tung anh ra khỏi tòa nhà đó”, tôi chợt nhận thức lại một lần nữa mọi nghề nghiệp đều không dễ dàng, huống chi cả Paul và Jeff hằng ngày đều nghía qua hình thù của người bạn chết chóc. Chúng đứng ở góc khuất, đúng dịp sẽ đi ra và chào hỏi những người xung quanh bạn và tất nhiên, rồi sẽ đến bạn. Tuy nhiên cần hiểu rằng “Cuộc sống của bệnh nhân và nhân diện của họ có thể nằm trong tay chúng tôi, song cái chết sẽ luôn chiến thắng”.
Khi lần đầu tiên Paul cầm dao mổ, máy khoan, rạch từng vết lên da thịt, não bộ, hộp sọ của người thật, chẳng có gì ngoài háo hức và sợ hãi hơn đối với một sinh viên trường y. Paul học được cách tôn trọng những người hiến tặng thân thể cho y học, nghĩa cử mà đến những bác sĩ đôi khi cũng không làm được.
Khi biết được mình mắc bệnh ung thư phổi, Paul phải đặt cuộc sống của bản thân vào đường tỷ lệ sống Kaplan-Meier, những kinh nghiệm chuẩn đoán, kỹ thuật, lý thuyết về thần kinh, não bộ, những lần cầm dao mổ để cố hết sức níu kéo bệnh nhân hoặc là buộc buông tay tiễn họ về phía lằn ranh chết chóc, tất cả đối với ông không còn tồn tại.
Khi cùng người vợ nằm trên giường bệnh với hy vọng, thất vọng, đau đớn trong nước mắt “Anh không muốn chết”, thì những tương lai tươi đẹp mà họ từng vẽ ra: Paul sẽ về nhà đúng giờ sau khi kết thúc chương trình bác sĩ nội trú thần kinh, đảm đương đúng cái trách nhiệm làm chồng, không cần phải đến bệnh viện mỗi ngày từ 6 giờ sáng và đến khi hết mọi ca mổ mới được ra về. Chúng bị tẩy xóa bằng đôi tay tạo hóa.
Khi phải tiêm vào người nhiều thứ thuốc, hằng ngày luôn nhớ xem mình đã uống đủ bao nhiêu viên, làm bao nhiêu hóa trị, đi đến những phòng xét nghiệm nào, cuộc sống chỉ còn lại khung cảnh ngoài cửa sổ, như một thủ tục.
Khi Paul kiên tâm không quay lưng với căn bệnh.

Những ngày tháng cuối đời của Paul không buồn bã, thất vọng, thay vào đó ông chấp nhận và đối mặt với cái chết. Việc biết mình sẽ chết trong một tương lai gần bởi một nguyên do chính xác, khiến cho Paul và cả gia đình của ông nhận ra và làm được nhiều thứ ý nghĩ vô cùng. Paul và vợ hàn gắn lại tình cảm trong cuộc hôn nhiều trắc trở. Không, phải nói chính xác hơn là chính tình yêu của họ đã giúp Paul vượt qua được nỗi sợ, lo lắng về bệnh tật và cái chết, họ nương tựa và cổ vũ lẫn nhau. Họ có con gái khi Paul đã biết được căn bệnh ung thư phổi của mình. Khi con bé ra đời, họ đã thật sự cảm ơn về sinh mạng nhỏ bé với tương lai trải dài phía trước ấy. Paul muốn viết một chuỗi những bức thư để lại cho con gái ông, để lại cho tâm hồn non nớt đó một chút gì về hình bóng của một người cha. Nhưng đến cuối cùng ông chỉ muốn gửi đến con gái thông điệp: “Khi đến một trong những khoảnh khắc mà con phải nói về bản thân mình trong cuộc sống, về việc con từng là ai, những gì con đã làm và con có ý nghĩa như thế nào với cuộc đời, cha nguyện cầu con sẽ không quên rằng, con đã từng lấp đầy tháng ngày của một người đàn ông đang chết bằng một niềm tin chan chứa, một niềm vui cha chưa từng biết đến trong suốt những năm tháng trước đây, một niềm vui không khiến cha khao khát thèm thuồng hơn nữa mà là thỏa mãn, bình an. Tại thời điểm này, ngay lúc này, đó là một điều vĩ đại”. Con bé chính là niềm vui, sự an ủi trong những tháng ngày chống chọi căn bệnh cuối đời của Paul.
Ông yêu thơ và văn chương mãnh liệt, tôi thật sự xúc động trước những đoạn thơ mở đầu của mỗi phần, chính Paul cũng đã từng nói với vợ: đối với ông thơ văn còn là nguồn an ủi hơn cả Kinh thánh. Bởi thế cho nên, ông dành những năm tháng cuối đời của mình không chỉ cho gia đình, cho con gái, cho những khoảnh khắc hạnh phúc cố chắt chiu mà còn cho niềm đam mê văn chương của mình nữa. Không quá một lần đọc “Khi hơi thở hóa thinh không” tôi thấy ông nhắc về hai từ “nhà văn”. Cho đến cuối cùng, sau khi đã trải qua những năm tháng làm bác sĩ phẫu thuật thần kinh, ông đã thật sự hoàn thành ước nguyện. Từ lời kể của vợ ông – bà Lucy – viết ở phần cuối cuốn sách, tôi thật sự thấy được Paul chấp nhận và chống chọi với căn bệnh ung thư phổi của mình như thế nào: Ông viết ở tất cả mọi nơi, khi ôm bé Cady, khi nằm với vợ, trong phòng đợi bác sĩ ung thư, khi hóa trị chảy vào ven tay, đến nỗi các đầu ngón tay nứt toác vì hóa trị ông vẫn tiếp tục viết nhờ đeo một đôi bao tay viền bạc không đường nối. “Cuốn sách mang theo sự gấp rút của cuộc đua vượt thời gian, của những điều quan trọng muốn nói. Paul đương đầu với cái chết – nghiên cứu nó, đánh vật với nó, chấp nhận nó – trong vai trò của một bác sĩ và cả bệnh nhân. Anh ấy muốn giúp mọi người hiểu thêm về cái chết và đối mặt với tuổi đời giới hạn của họ”.
Trên chiếc giường tại bệnh viện mà ông từng là bác sĩ phẫu thuật thần kinh, nơi ông gửi gắm sự nỗ lực và khác khao của bản thân, nơi vợ ông đã hạ sinh đứa con gái bé bỏng và duy nhất của cả hai người: Paul trút hơi thở cuối cùng vào thứ Hai ngày mùng 9 tháng 3 năm 2015.
XEM THÊM CÁC CUỘC THI VIẾT KHÁC
XEM THÊM BÀI VIẾT CHUYÊN MỤC KHÁC SỐNG GIÁ TRỊ