Rất nhiều người yêu mến “Hoàng tử bé” của nhà văn – phi công Antoine De Saint-Exupery. Thiên truyện đậm chất thơ và thấm đẫm nỗi buồn. Tôi đã đọc cuốn sách nhiều lần và lần nào cũng rung động bởi những đoạn nhỏ. Phải, tôi nghĩ, những điều chạm vào trái tim ta thường là điều rất nhỏ, những chi tiết, luôn ở đó mãi mãi, như Hoàng tử bé mãi hiện diện trên những vì sao đang cười đối với nhà văn – phi công.
“Tớ cần tìm kiếm nhiều bạn và tìm hiểu bao nhiêu sự vật” – Hoàng tử bé nói.
“Người ta chỉ hiểu được những vật người ta đã thuần dưỡng” – Cáo trả lời.
Thật bay bổng, và nhẹ nhàng. Nhẹ nhõm nữa, bởi chúng ta chỉ cần sống thật chậm, học thật từ tốn, làm mọi việc từ từ, và sâu đậm, hãy “thuần dưỡng” mỗi khoảnh khắc cuộc sống, không vội vàng, như vậy mỗi điều mới sáng tỏ, cuộc đời được trọn vẹn cảm nhận và trải qua.
Hoàng tử bé đã “thuần dưỡng” chú cáo, để cánh đồng lúa mì vàng óng nhắc chú nhớ mái tóc người bạn.
Hoàng tử bé “thuần dưỡng” bác phi công, để đối với bác, mỗi ngôi sao lúc nào cũng lấp lánh tiếng cười của em.
Đoá hồng “thuần dưỡng” Hoàng tử bé và cho em hiểu điều chú cáo đã nói.
Làm thế nào để thuần dưỡng một ai hay điều gì đó?
“Phải thật kiên trì”.
Câu chuyện của chú cáo và Hoàng tử bé lần nào đọc cũng khiến tôi cảm thấy ngọt ngào, y như tình bạn vậy.
Cuộc du hành của Hoàng tử bé trong cuốn sách mỏng đi qua nhiều tinh cầu thú vị, gặp nhiều người lớn kì lạ, những người hay lo “việc quan trọng”: vị vua trị vì tất cả, nhà kinh doanh sở hữu các vì sao, nhà địa lý không đi thám hiểm, gã bợm nhậu muốn quên xấu hổ, gã khoác lác thích được hoan hô, và người tắt – mở đèn không ngủ…
Em đã đem lòng yêu một đoá hồng kiêu ngạo và chịu nỗi đau khổ rồi chính em nhận ra: đáng lẽ em không nên buồn bã vì những lời đỏng đảnh của nàng như vậy mà chỉ cần thực sự hiểu ý nghĩa sự tồn tại của hoa đối với em và tinh cầu của em. Nhưng con người hay dại khờ như vậy đó, rời xa nhau bởi những lời trên đầu môi. Tôi đã khóc khi đọc tâm tình Hoàng tử bé dành cho đoá hoa yêu thương của mình.
Hoàng tử bé là bản thể ngây thơ trong sáng mỗi con người chúng ta trong khi lớn lên dần quên mất. Thốt nhiên nhà văn – phi công gặp em giữa sa mạc-nơi ẩn giấu một giếng nước trong mát trong lòng nó. Em – hoàng tử bé ấy – cũng là một giếng nước ẩn giấu trong mỗi chúng ta, điều mà nếu ta khơi lại, giữ gìn, lan toả, thì không cuộc chiến tranh nào có thể xảy ra, không còn cảnh đói nghèo cơ cực người áp bức bóc lột người. Người lớn chúng ta ở trên chuyến tàu tốc hành cứ lao về phía trước, không biết mình đi đâu, vừa ngáp dài và ngủ gật, “chỉ có những đứa trẻ là dán mũi vào cửa kính thôi”.
Mỗi chi tiết, hình ảnh trong “Hoàng tử bé” đều là ẩn dụ tinh tế và khéo léo, và dường như vô vọng cho chúng ta hiểu trọn cuốn sách (dù chỉ mất một giờ để đọc hết cả quyển). Tuy vậy, điều đọng lại nơi mỗi trái tim độc giả mới đáng kể: “Ngôn ngữ là nguồn gốc gây hiểu nhầm”, “Cái cốt yếu thì con mắt không nhìn thấy”, “Người ta chỉ nhìn thấy thật rõ ràng bằng trái tim” (ngôn ngữ thật lại làm ta rối trí ở đây nhỉ, nhưng mà thôi, điều cốt yếu là tôi yêu Hoàng tử bé, và tôi tin trong mỗi chúng ta đều có một Hoàng tử bé đang chờ một lần nữa sống dậy, tươi cười và nhảy nhót và nhắc chúng ta nhớ về việc thực sự quan trọng, việc cần một cái rọ mõm cho con cừu khỏi ăn nhầm phải một bông hoa).
XEM THÊM CÁC CUỘC THI VIẾT KHÁC
XEM THÊM BÀI VIẾT CHUYÊN MỤC KHÁC SỐNG GIÁ TRỊ