Lý do gì để “Nhà giả kim” – cuốn sách chỉ vỏn vẹn hơn hai trăm trang có thể bán chạy thứ hai trên thế giới?
Có phải cuốn sách chỉ nói về mỗi nguyên lý về luật hấp dẫn, một tác phẩm truyền cảm hứng cho giới trẻ?
Tôi không nghĩ Paulo Coelho đau đầu viết hẳn một câu chuyện viễn tưởng chỉ nhằm khích lệ người khác chạm tới thành công. Nếu bạn muốn tìm hiểu, hãy cùng tôi đi qua từng trang sách xem tác giả muốn trò chuyện bằng những thứ “ngôn ngữ vũ trụ” nào nhé!
Đầu tiên, bạn sẽ thấy hình ảnh một chàng trai chăn cừu tên là Santiago, anh ta và đám cừu của mình đang dừng chân nghỉ tại một nhà thờ cổ bị bỏ hoang. Và thật kỳ lạ, chính tại nơi đây anh ta được “báo mộng” rằng sẽ tìm thấy một kho báu tại Kim Tự Tháp. Từ giây phút đó, Santiago biết rằng mình cần phải giải mã giấc mơ cũng như đi tìm kho báu của mình.
Sau đó, anh ta gặp bà lão người Digan và được giải thích rằng: giấc mơ là ngôn ngữ của Chúa và Santiago có thể đọc nó bằng tâm hồn mình. Vậy là hành trình của chàng trai chăn cừu bắt đầu phải vượt hàng ngàn dặm xa xôi qua sa mạc rồi gặp gỡ những con người mới, có tốt có xấu, những sự kiện ngẫu nhiên trùng hợp xảy ra đều nhằm mục đích dẫn dắt Santiago đến nơi anh ta cần đến – Kim Tự Tháp.
Nhưng sau khi đến được Kim Tự Tháp , anh ta có thấy được kho báu không? Đáng tiếc là không, anh ta gặp một toán cướp và bị mất hết sạch của cải, nhưng thủ lĩnh bọn cướp lại đưa ra một “dấu hiệu” khác giúp Santiago tìm được nơi cất giấu kho báu. Đó chính là nơi khởi đầu của cuộc hành trình – nơi đã thôi thúc Santiago lên đường.
Phải chăng hành trình mà Santiago hay bất cứ ai trên trái đất này phải trải qua là cuộc hành trình tìm về chính con người mà liên kết với tâm hồn và tiềm thức của họ? Chỉ khi hiểu sâu sắc về tâm hồn mới giúp ta nhận ra “những kho báu” mình đang sở hữu – giá trị, ước mơ, đam mê. Bạn có thể tưởng tượng hành trình dài đằng đẵng ấy như một boomerang, đi thật xa để rồi hóa ra điểm dừng chân tuyệt vời nhất là nơi khởi điểm ban đầu – bản thân mỗi người.
Những sự kiện trùng hợp mà Santiago gặp phải đều là “dấu hiệu” giúp anh ta trưởng thành, học hỏi để tìm thấy tâm hồn bên trong. Cũng như mỗi người đều phải trải qua những vấp ngã, những đau thương thì mới phá “vỡ” được lớp vỏ tù mù và hiểu ra bản thân mình thực sự là ai, mình cần gì và đang làm gì. Lúc đó chúng ta mới có thể xác định được giá trị của chính mình và từng hướng đi trong cuộc sống.
Không chỉ vậy, cuốn sách còn có ý nhắc nhở hành trình mà chúng ta đang đi luôn được một đấng tối cao dẫn dắt, trên con đường ấy có những khổ đau, tị hiềm và thử thách nhưng cũng thu hoạch được trái ngọt, hạnh phúc. Ví như chàng Santiago đã tìm thấy nàng Eva của mình ngay từ giây phút ban đầu, như những lời được chỉ dạy trong Kinh Thánh: “he who finds a wife finds a good thing”. Anh ta đã hiểu được ngôn ngữ của vũ trụ gửi gắm chính là tình yêu thương. Đó cũng là thứ khiến Đấng Sáng Tạo dựng nên con người, sự sống này và đặt vào linh hồn của mỗi người.
Đối với tôi, “Nhà giả kim” không đơn thuần là một tác phẩm thuộc dạng self help như nhiều người khẳng định. Nếu nhìn đa chiều, “Nhà giả kim” thông qua những hình ảnh và nhân vật từ Kinh Thánh để xây nên một cuốn sách biểu tượng về triết học, tâm lý học, thần học nhằm hướng độc giả vững bước trên chuyến đi của họ để tìm ra một tâm hồn trưởng thành, kiên cường ở cuối con đường.
XEM THÊMCÁC CUỘC THI VIẾTKHÁC
XEM THÊM BÀI VIẾT CHUYÊN MỤC KHÁCSỐNG GIÁ TRỊ