Gấp quyển sách “Bố con cá gai” lại, nước mắt tôi ứa ra; đã rất lâu rồi tôi chưa được khóc một trận thật đã đến như vậy.
Trước hết, thật biết ơn tác giả Cho Chang In (và đặc biệt là dịch giả Nguyễn Thị Thu Vân) đã cho tôi được thấy một bức tranh về đất nước Hàn Quốc rất khác, khác xa với những gì trước giờ tôi vẫn luôn tưởng tượng. Hàn Quốc trong “Bố con cá gai” cũng có những bệnh nhi nhỏ tuổi đang ngày ngày đau đớn, quằn quại chống chọi với những căn bệnh hiểm nghèo, hay nói một cách thẳng thắn là bệnh tật thì không chừa bất kì ai – dù là người giàu hay người nghèo, dù ở một đất nước giàu hay một đất nước nghèo. Hàn Quốc trong “Bố con cá gai” cũng có một ông bố nhà thơ “gà trống nuôi con”, hết lòng thương yêu đứa con trai của mình, gạt bỏ lòng tự trọng sang một bên để đi vay tiền, để làm một việc mà tự ông biết rõ đó là phi pháp – là bán thận, bán giác mạc… chỉ để kiếm đủ tiền cứu chữa cho đứa con trai bé bỏng; rồi sự đỗ vỡ trong hôn nhân, Hàn Quốc cũng có và cũng với lí do như bao nơi khác trên Trái Đất khi người ta chia tay – là không cùng chung một suy nghĩ…

Tôi kể như vậy, bạn đừng nghĩ quyển sách chỉ hoàn toàn u tối. Sách kể về câu chuyện của cậu bé Daum mười tuổi mắt bệnh máu trắng, và ông bố “cá gai” hết mực thương yêu cậu, nhưng trong cái u ám ấy, ánh sáng của những điều kì diệu, của lòng tốt con người được thấp lên bởi cô bé Midori người Nhật Bản. Trong sách, Midori là một cô bé ích kỷ, trước giờ chỉ biết nghĩ cho mình, em đã suy nghĩ rất nhiều về việc hiến tủy hay không, và rồi cuối cùng em đã hiến – “Người cảm ơn phải là cháu mới phải. Thật lòng đấy ạ. Trong thời gian vừa qua cháu đã rất lo lắng lưỡng lự, sau đó mới nhận ra nhiều điều. Thực ra thì cháu thuộc loại người khá ích kỷ. Nhưng thông qua cơ hội lần này, có lẽ sau này cháu có thể yêu thương bất cứ ai ạ. Và cháu nhận ra rằng gia đình và những người xung quanh thật quý giá, cháu cũng cảm thấy cần phải sống chăm chỉ hơn nữa”. Tôi tự hỏi trên đời này, còn có thêm bao nhiêu người như cô bé Midori ấy nữa?
Từng trang sách đều lôi cuốn, được kể qua lời kể của Daum, lời kể của người bố và của tác giả, làm người đọc khó có thể bỏ quyển sách xuống cho đến khi đọc hết quyển sách mới thôi.
Quyển sách kết thúc bằng dấu chấm hết cho cuộc đời của ông bố “cá gai” nghèo khổ, vừa phải gồng mình kiếm tiền cho con chữa bệnh, vừa gồng mình chống chọi với căn bệnh ung thư gan quái ác đang hành xác thân thể ông từng ngày, nhưng chưa bao giờ ông thôi nghĩ đến những điều tốt đẹp cho cậu con trai. Tuy vậy, biết đâu kết thúc ấy lại mở ra những bắt đầu mới: là một chuyến bay sớm từ Hàn Quốc sang Pháp, có lẽ đó cũng là một điều tốt đẹp cho đứa trẻ mười tuổi, sống sót sau hai năm chiến đấu với căn bệnh máu trắng; là những bông tuyết đầu mùa đông với một ước mơ tươi đẹp nào đó, của một đứa trẻ nào đó…
“Có lần tôi từng hỏi bố, rằng sau này bố thích tôi trở thành gì. Bố đã cười thật tươi rồi trả lời, rằng bố mong tôi sẽ hạnh phúc. Vì thế nên dù tôi có trở thành gì đi chăng nữa, chỉ cần tôi hạnh phúc là bố vui rồi.”
XEM THÊMCÁC CUỘC THI VIẾTKHÁC
XEM THÊM BÀI VIẾT CHUYÊN MỤC KHÁCSỐNG GIÁ TRỊ