Nhắc đến Cù lao gần đây, hẳn bạn sẽ nhớ đến vụ việc đau lòng được đưa tin trên các trang báo: Vụ ca nô bị lật do sóng đánh. Nhiều người sẽ có tâm lý e ngại và nghĩ đến một phương án du lịch khác. Bài viết này không gợi ý bạn nên hay không nên tham quan chốn nào. Tôi chỉ hỏi rằng, bạn biết hết những nghĩa dưới đây chứ?
Nghĩa thứ nhất ai cũng biết
Cù lao ở nghĩa thứ nhất mà ai cũng nghĩ ngay đến nếu bắt gặp chữ này chính là một địa điểm. Nó đồng nghĩa với từ “đảo” nghĩa là vùng đất nổi trên sông hoặc biển. Hai chữ này vốn có nguồn gốc từ thổ ngữ Malaysia – pulau. Ở phương Tây, “pulau” sẽ chuyển thành “poulo”, tuy nhiên không ai sử dụng từ này để tìm kiếm địa điểm du lịch cả, khách nước ngoài sẽ dùng “island”, chẳng hạn “Cham Island”, “Van Phi Island”…

Các nhà ngôn ngữ học đã nghiên cứu sự tương quan trong âm vị giữa từ gốc và từ phiên âm tiếng Việt, tại sao chữ p trong từ pulau duyên cớ gì mà dân ta lại đọc trại thành âm k, tuy nhiên vẫn chưa có báo cáo thuyết phục về điều này. Có một số cách chuyển âm khác của “pulau” gần sát với từ gốc hơn như “bất lao”, “bích la” nhưng ít được sử dụng và dẫn bị lãng quên.
Người Việt bắt đầu dùng cù lao để gọi tên một số hải đảo trong vùng biển đất nước và hiện nay những hải đảo này là những điểm đến du lịch thú vị, giúp quý hành khách “đổi gió” khi “chán” đất liền.
Trong văn học, truyện dài Quê nội của tác giả Võ Quảng cũng nhắc đến địa danh Cù lao Chàm ở xứ Quảng Nam vào thời kỳ kháng chiến và tác giả cũng lấy nó để đặt tên nhân vật miền biển chân chất của mình.
Ghé thăm trang web dulichmientrung.info để tìm hiểu các danh lam thắng cảnh của đất nước.
Đọc thêm: Ra Cù lao Chàm: Uống nước giếng – Tốt tình duyên
Nghĩa thứ hai học sinh học ngữ văn cần biết
Nếu như nghĩa thứ nhất có nguồn gốc từ Malaysia thì nghĩa thứ hai bắt nguồn từ tinh hoa nho học Trung Quốc – kiệt tác Kinh thi. Cù lao trong cụm từ “Cửu tự cù lao” nhắc nhở mọi người về công ơn của đấng sinh thành đối với con cái của họ.
Chín chữ đó lần lượt là: Sinh con (Sinh), Nâng đỡ con (Cúc), Dạy dỗ con từng chút về thế giới này (Dục), Âu yếm con (Phủ), Cho con bú dòng sữa mẹ thơm ngọt (Xúc), Nuôi con lớn từng ngày (Trưởng), Trông nom con (Cố); Ôm ấp con (Phục) và Bảo vệ con (Phúc). Biết thêm về những từ này, chúng ta càng cảm thấy mình đã nợ cha mẹ quá nhiều.
Trong những giờ kiểm tra Ngữ văn, khi làm đề bài nói về gia đình, về cha mẹ, ngoài những câu ca dao, tục ngữ quen thuộc như “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” hay “Lòng mẹ bao la như biển thái bình…”, bạn có thể trích dẫn thêm về Chín chữ cù lao để gây ấn tượng hơn về mặt từ ngữ, tránh sự trùng hợp trong bài làm của nhau.
Nghĩa thứ ba dành cho những ai đam mê ẩm thực
Bạn có từng thưởng thức món ăn đậm đà mang tên Lẩu cù lao chưa? Đây là một trong những đặc sản của người miền Tây phối hợp nhiều nguyên liệu tươi ngon từ thịt heo, lòng heo, tôm, mực và các loại rau củ quả nhiều màu sắc khác.
Sở dĩ gọi là lẩu cù lao vì chiếc nồi dùng để nấu lẩu giống hình dạng một hòn đảo nhỏ, chính giữa là ống đựng than lửa, có tác dụng giữ độ ấm nóng cho thức ăn, còn xung quanh cái ống đựng đấy, ta sẽ cho nước dùng cùng các nguyên liệu vào.

Hãy tưởng tượng trong tiết trời se se lạnh vào lúc sâm sẩm tối, bạn và gia đình quây vào nhau bên nồi lẩu nghi ngút khói, bên cạnh là một đĩa bún tươi cùng một chén nước mắm đã cho thêm vài lát ớt chỉ thiên đỏ.
Trong lúc vừa nói chuyện với nhau, vừa chờ cà rốt, củ cải , súp lơ xanh, nấm,… và thịt heo trong nồi lẩu chín nhừ và mềm, bạn tranh thủ hít hà cái vị ngọt tỏa ra từ nước dùng, vị mằn mặn của mắm hòa cùng vị cay the của ớt, mùi thơm chín mềm của thịt và lòng heo. Bất cứ ai cũng phải đổ gục vì món lẩu với tên gọi đặc biệt này.
Nghĩa thứ tư… do gọi chệch đi

Trong cuốn Việt Nam tự điển năm 1970 của Lê Văn Đức có nhắc đến cù lao với nghĩa là cái quai chuông. Nhưng cái quai chuông thật sự phải là “bồ lao”, bởi nó xuất phát từ truyền thuyết của người Hán – chim bồ lao khổng lồ khi giành mồi với cá kình thường phát ra âm thanh vang vọng như khi ta gõ chuông. Có thể do phương ngữ, tiếng nói của từng vùng mà từ “bồ lao” đã dần biến thành “cù lao”.
Nghĩa thứ năm – từ cổ ít dùng liên quan đến vật lý

Từ cù lao thứ năm mang nghĩa là cái đít chai. Bạn có thể lật ngược chai nhựa Aquafina, Coca cola và quan sát đáy chai, bạn sẽ thấy nó không phẳng mà được thiết kế thành 5 cục lồi, thiết kế này không chỉ để tạo điểm nhấn cho chai.
Chính những đường cong này làm cho đáy chai có khả năng chịu sức ép của nước, chai cứng và bền hơn, đồng thời cũng vững hơn, tránh bị nghiêng đổ. Các nhà vật lý học gọi đây là momen quán tính quanh trục uốn.
Chỉ với 2 chữ ngắn ngủn “Cù lao” nhưng đã có nhiều nghĩa hay ho đến vậy. Tiếng Việt quả chưa bao giờ đơn giản. Tuy nhiên là một người con đất Việt, chúng ta nên giữ gìn thứ ngôn ngữ thân thương đẹp đẽ này.
Lá Đa