Công việc không phải là tất cả

Thi thoảng đọc những bài viết về những người – thậm chí là người trẻ – đột tử vì làm việc quá sức – mà tôi cảm thấy nhói lòng. Cuộc sống hiện đại như một guồng quay vội vã, cuốn con người đi với những vòng xoáy bất tận. Cuộc sống chốn công sở đôi khi không phải là 8 tiếng, mà là mười mấy tiếng một ngày. Đến cả thời gian nghỉ ngơi và riêng tư, công việc cũng đeo bám lấy ta không cho chạy thoát. Tôi cũng từng có giai đoạn bị cuốn theo guồng xoáy công việc như thế. Và tôi nhận ra rằng: một cuộc sống hầu hết chỉ có công việc, là một cuộc sống không đáng.

Nếu cuộc sống là một chiếc bánh lớn, thì công việc – sự nghiệp, có lẽ là một miếng bánh được nhiều người cho là hấp dẫn. Vì chỉ có làm việc thì con người mới có được tiền bạc và từng bước leo lên những nấc thang danh vọng của cuộc đời. Nhưng dù có là một miếng bánh hấp dẫn, công việc cũng chẳng bao giờ là tất cả chiếc bánh được. Bên cạnh miếng bánh công việc, cuộc đời này còn những miếng bánh khác: sức khỏe, gia đình, bạn bè, hạnh phúc lứa đôi, thú vui riêng …

Rõ ràng, khi một người đầu tư quá nhiều thời gian vào công việc, thời gian dành cho những thứ khác sẽ bị khuyết lẹm đi. Mỗi ngày chỉ có 24 giờ, chọn đầu tư thời gian cho miếng bánh cuộc sống nào – hoàn toàn là quyết định riêng của mỗi người. Nhưng một lúc nào đó, có lẽ ta cũng cần chậm lại, và suy nghĩ về “chi phí cơ hội” của tất cả mọi thứ. Trong đó có cái giá phải trả cho thành tựu trong công việc.

Chính tôi cũng cảm thấy mình đã từng đánh đổi một phần sức khỏe cho công việc. Có giai đoạn, tôi đã để công việc cuốn phăng mình đi. Những ngày tháng ngồi triền miên trước màn hình máy tính, xử lý những công việc chẳng biết bao giờ là hồi kết. Tôi không phải là người yêu công việc đến thế. Chỉ là trong một cỗ máy doanh nghiệp đang vận hành, tôi không được phép chạy chậm lại. Những tháng ngày chỉ có thức dậy, tròng một bộ quần áo vào người, rồi lại vội vã ra khỏi nhà. Bữa ăn trưa cũng vội vàng và qua quýt trong khi tay vẫn gõ bàn phím và đầu vẫn băn khoăn về đơn hàng. Lúc đặt lưng lên giường cũng là lúc vừa kịp làm xong những việc cá nhân sinh hoạt hàng ngày.

Lâu ngày, tôi thấy mình vận hành như máy móc. Nhưng ít ra máy móc không biết mệt, còn tôi thì … mệt mỏi thật sự. Những ngày mắt tôi mờ đi và nhức mỏi như muốn biểu tình. Rồi những cơn đau lưng, đau vai, đau cổ gáy xuất hiện trên cơ thể mỗi ngày một nhiều hơn.  Cũng chẳng biết từ bao giờ tôi sinh ra mất ngủ triền miên – có lẽ vì trước lúc ngủ công việc vẫn chạy mòng mòng trong đầu. Mỗi ngày hoàn thành công việc là mỗi ngày tôi cảm thấy kiệt quệ về cả thể chất và tinh thần.

Tất cả những căng thẳng, mệt mỏi, buồn bã vô tình triệt tiêu hết lòng nhiệt tình và sự sáng tạo của tôi. Tôi thậm chí chẳng có thời gian đi một bữa cà phê tử tế với bạn bè. Lắm lúc tôi tự hỏi, liệu tôi sẽ duy trì cuộc sống như thế này được trong bao lâu nữa? Tuổi trẻ là phải hết mình vì công việc – tôi có đang đi đúng hướng hay đã sai ở đâu rồi? Và tôi như được “bừng ngộ” khi một lần tình cờ biết đến triết lý về 5 quả bóng của cuộc đời.

Triết lý ấy đại ý rằng, hãy tưởng tượng cuộc đời là một trò chơi tung hứng với 5 quả bóng trên tay, gồm: công việc, gia đình, bạn bè, sức khỏe và tâm hồn. Trong đó, chỉ có duy nhất quả bóng “công việc” là làm bằng cao su, còn những quả bóng còn lại đều làm bằng thủy tinh. Điều đó hàm nghĩa rằng, nếu quả bóng “công việc” rơi xuống, nó vẫn có khả năng bật trở lại. Còn những quả bóng còn lại: “gia đình”, “bạn bè”, “sức khỏe” và “tâm hồn”, một khi đã rơi xuống, sẽ sứt mẻ hoặc vỡ tan tành, chắc chắn chẳng thể nào về lại trạng thái ban đầu. Và trò chơi cuộc đời cũng là trò chơi giữ cân bằng cho những trái bóng ấy.

Tôi nhìn lại quá khứ của mình và hướng đôi mắt ra xung quanh để suy ngẫm về triết lý này. Trên thực tế, rất nhiều người, vô danh hay nổi tiếng, đã từng đi qua thất bại, phá sản trong công việc. Nhưng sau đó họ vẫn có khả năng vực lại cơ nghiệp của mình, thậm chí còn thành công hơn trước. Cũng lại có nhiều người, ở trên đỉnh cao của danh vọng và nổi tiếng, nhưng bỗng một ngày kết thúc cuộc sống của mình bằng tự sát, thậm chí ở độ tuổi còn quá trẻ, trong sự bàng hoàng và sững sờ của tất cả mọi người. Góc khuất đằng sau ánh hào quang là gì, có ai mà biết được. Nhưng tôi biết rằng, người ta chỉ ngã nhào xuống đất vì mất thăng bằng, chứ chẳng ai thăng bằng mà lại ngã nhào xuống đất cả.

Hãy tưởng tượng cuộc đời là một trò chơi tung hứng với 5 quả bóng trên tay, gồm: công việc, gia đình, bạn bè, sức khỏe và tâm hồn. Ảnh: Internet.

Và thế là tôi lên kế hoạch để vượt thoát ra khỏi cuộc sống đầy stress vì công việc ấy. Tôi không còn chút nghi ngờ nào về quyết định ấy của mình cả. Tôi biết rõ ràng rằng tôi chẳng thể đi xa hơn nếu tôi tiếp tục để công việc chiếm lấy quá nhiều thời gian sống của mình. Đánh đổi sức khỏe vì công việc, có lẽ đó là một trong những sai lầm mà tôi không bao giờ muốn mình phạm phải nữa. Tới giờ sức khỏe của tôi đã khá hơn trước, nhưng tôi biết nó cũng như quả bóng thủy tinh, đã sứt mẻ phần nào mà không thể nguyên vẹn lại được.

Đó là bài toán tôi từng phải đối mặt – cân bằng giữa sức khỏe và công việc. Mỗi người, ở mỗi giai đoạn, sẽ phải giải những bài toán khác nhau trong cuộc sống. Chẳng hạn, có người phải giải bài toán lựa chọn giữa tình yêu hay sự nghiệp. Như người ta thường nói “Sau này chúng ta cái gì cũng có chỉ là không có chúng ta”. Những chuyện như thế thật khó nói, âu cũng là cái giá mà người ta phải đánh đổi. Cái giá ấy có đáng hay không – là điều mà ta cần cân nhắc để chẳng phải hối tiếc về sau.  Nhưng cũng tương tự như chuyện bạn có 10 đồng đi chợ, bỏ ra 6 đồng mua thịt, 4 đồng mua rau chẳng khiến bữa cơm ngon hơn bỏ cả 10 đồng mua thịt hay sao? Cuộc sống đâu bắt ta chọn cái này phải bỏ cái khác, trong khi ta có thể chọn cả hai?

Giờ đây, tôi cảm thấy người bạn thân thiết của tôi là chiếc đồng hồ. Lắm khi đang dở tay với công việc, tôi cứ muốn cố, cố thêm một chút nữa, cho xong nốt. Nhưng tôi lại nhìn đồng hồ, mỉm cười và gấp máy tính lại, trong lòng tự nhắc mình: “Công việc không phải là tất cả”! Bên cạnh công việc, muôn màu cuộc sống khác đang chờ tôi ngoài kia.

Amber Phạm

BÀI CÙNG TÁC GIẢ

XEM THÊM CÁC BÀI VIẾT HAY TẠI ĐÂY

Tags: #amber pham #Công việc không phải là tất cả

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *