Đi xe không giỏi? Đi nhiều vào sẽ thạo. Học không giỏi? Học nhiều vào sẽ giỏi. Làm việc không hiệu quả? Làm nhiều vào sẽ quen. Người ta thường có suy nghĩ: “Cần cù, chăm chỉ chắc chắn sẽ thành công. Làm gì chưa giỏi thì làm nhiều sẽ giỏi.” Suy nghĩ đó hoàn toàn sai. Chẳng lẽ “Hôn nhân không hạnh phúc thì… kết hôn nhiều vào?”
Việc làm nhiều, cần cù, chăm chỉ không phải là xấu. Nhưng đó không phải là lời cam kết cho một sự thành công nào cả.
Nếu cứ làm nhiều là thành công, thì những đứa dành cả hè ở quán game phải trở thành game thủ nổi tiếng rồi chứ. Nhưng không. Chúng vẫn chỉ là những đứa trẻ dành cả hè ở quán game vui chơi mà thôi. Và mãi không trở thành game thủ chuyên nghiệp.
Để thành game thủ chuyên nghiệp, chúng cần phải biết nhiều hơn thế. Phải tìm hiểu cách giành chiến thắng của trò chơi. Những chiến thuật trong trò chơi. Nguyên nhân tại sao nhân vật của mình chết. Và rất nhiều thứ trong game, ngoài game khác.
Kĩ năng chơi game của chúng cần phải được cải thiện hàng ngày, hàng giờ. Phải biết rút kinh nghiệm từ những trận thua, học hỏi cách người khác giành chiến thắng. Thay vì chỉ cắm mặt vào chơi cho vui, thua thì thôi.
Cần cù, chăm chỉ thôi không thể đưa bạn tới thành công. Bạn cần phải biết rút kinh nghiệm từ những thất bại. Phải luôn học hỏi những người đã thành công để thành công. Áp dụng phương pháp của những người đi trước.

Tuy nhiên, thành công cũng không đến với người chỉ biết học. Kiến thức từ những trang sách, từ thầy cô sẽ chỉ là lý thuyết suông nếu bạn không bắt tay vào hành động.
Nếu chỉ học tập từ sách vở, từ những người thành công, kiến thức đó chỉ mãi là kiến thức. Dù kiến thức đó cao tận sao, thì chúng cũng chẳng làm ta ăn no hay cho ta áo ấm. Chúng chỉ khiến ta trông có vẻ hơn người khi sự thật là ta chẳng làm được gì cả.
Thuở còn học sinh, tôi từng cười nhà văn, nhà thơ. Sao mấy người đó kiếm ăn dễ quá. Bịa vài câu thơ, viết vài câu văn cũng ra tiền. Còn bắt người khác phải phân tích chi tiết trong khi tác phẩm của họ chỉ dựa trên cảm xúc nhất thời.
Nhưng giờ khi bắt tay vào công việc viết lách tôi mới sáng mắt.
Cảm xúc thì… nhất thời thật. Nhưng tác giả phải trải nghiệm, phải tìm hiểu, phải ăn nằm với đề tài một thời gian dài mới có cái cảm xúc nhất thời đó.Có cảm xúc rồi. Nhưng làm sao để diễn đạt cảm xúc lại là câu chuyện khó khác. Tác giả phải vận dụng vốn hiểu biết “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” để miêu tả cảm xúc bằng những hình ảnh. Phải lục tìm cả kho từ vựng tiếng Việt mới nhặt được một chữ ưng ý.
Giờ ai bảo nghề viết dễ nữa? Cứ làm thử đi rồi biết.
Cách làm hay nhất thì người xưa đã chỉ: “Học phải đi đôi với hành”. Học để biết con đường đúng mà đi. Hành để luyện đôi chân cho thật khỏe.Biết đường đúng nhưng không đi thì chẳng có gì. Đi nhiều nhưng sai đường cũng chẳng được chi.
Để tới được đích đến bạn mong muốn, trước tiên bạn phải học tập. Phải xác định được hướng đi đúng, tránh lãng phí thời gian và công sức.Đừng chần chừ, hãy bước đi trên con đường đó.Có ngã đấy. Có đau đấy. Thậm chí cả sẹo. Nhưng đi kèm với chúng là những vết chai kinh nghiệm không ai có thể chỉ cho bạn. Chúng sẽ làm đôi chân của bạn thêm rắn rỏi.
Với một con đường đúng và một đôi chân có thể vượt ngàn trùng khơi, bạn sẽ đạt được thành công hằng mơ ước.
XEM THÊM CÁCTẢN VĂNKHÁC
XEM THÊM BÀI VIẾT CHUYÊN MỤC KHÁCTẠI ĐÂY