Biết thêm về cuộc đời tiền nhân là một trong những cách giúp chúng ta vừa học lịch sử hiệu quả vừa rút ra những bài học kỹ năng sống. Lưu Bang dựng nước Hán không thể không kể đến công lao to lớn của ba vị anh hùng nổi tiếng. Nhưng khác với Trương Lương và Tiêu Hà, Hàn Tín lại có kết cục bi thảm.
Từ kẻ thấp kém đến chiến thần số một thời sơ Hán – Bài học kỹ năng sống

So tam kiệt ai bằng Hàn Tín
Một tay thu muôn dặm nước non
Đây là hai câu thơ đầu trong bài Vịnh Hàn Tín của Nguyễn Công Trứ để nói lên tài năng và công trạng khai quốc của vị danh tướng này. Cuộc đời Hàn Tín tuy rực rỡ nhưng lại ngắn ngủi. Thời loạn lạc, ông là một kẻ nghèo đói, lang thang, phải “ăn chực” nhà người anh em kết nghĩa. Sau khi bị vợ của anh em “nhắc khéo”, Hàn Tín chỉ đành ngày ngày ra sông câu cá.
Khi Hạng Lương và cháu là Hạng Vũ đang tập hợp binh mã lật đổ sự áp bức của Tần Thủy Hoàng, Hàn Tín quyết định đi đầu quân. Nhưng trái với sự hăm hở và kỳ vọng của mình, ông chỉ được giao cho nhiệm vụ đứng gác kích. Tất nhiên, Hàn Tín không cam lòng với vị trí này, ông nghĩ cách thể hiện tài mưu lược của mình nhưng vẫn không được trọng dụng.
Nghe lời khuyên của Trương Lương, Hàn Tín rời khỏi quân doanh của Hạng Vũ và bắt đầu đi theo Lưu Bang. Đường đến đất Thục muôn ngàn khó khăn, nhưng Hàn Tín vẫn chấp nhận vì chỉ có họ mới nhận ra tài năng của ông. Ban đầu, không ai phục Hàn Tìn khi ông được Lưu Bang phong làm đại tướng quân nhưng những trận đánh toàn thắng của ông đã giúp Lưu Bang mở ra một đại Hán tồn tại 400 năm.
Anh hùng hiển hách là thế, nhân vật huyền thoại này vẫn bị gán tội phản nghịch và chết dưới tay đế hậu. Ai từng đọc Hán Sở tranh hùng hoặc xem phim đều thở dài thương tiếc cho cuộc đời ông.
3 bài học từ cuộc đời Hàn Tín vẫn áp dụng được cho ngày nay
Tuy Hàn Tín là nhân vật lịch sử cách chúng ta hơn 2000 năm, thời kỳ mà ông sống cũng là thời phong kiến chứ chưa tiến bộ như kỷ nguyên của chúng ta, nhưng từ những giai thoại cuộc đời ông chúng ta vẫn học được những bài học kỹ năng sống dưới đây
Bài học 1: Chủ động trong công việc
Hàn Tín xuất thân nhà nghèo, nhưng thuở đầu một thanh niên sức dài vai rộng chỉ ôm mộng tưởng làm tướng quân mà không chịu lao động, tới mức phải đi ăn chực người khác. Sau lại bị tổn thương lòng tự trọng mà đến bờ sông câu cá.
Lúc này, Hàn Tín vẫn nhận ơn của Phiếu Mẫu ngày ngày mang cơm cho, chứ thật ra ông còn chẳng thèm quan tâm mình có câu được gì không. Tuy có tài thật sự, Hàn Tín vẫn theo chủ nghĩa chờ đợi, chờ họ nhận ra tài năng của mình.
Trong bộ phim Tân Hán Sở tranh hùng, khi Hàn Tín nói rằng nhất định sau này sẽ trả ơn Phiếu Mẫu cho cơm, bà khuyên người thanh niên này như sau: “Tôi không cần báo đáp. Tuổi còn trẻ như vậy, làm cho ra làm… Bất cứ ai cũng muốn nở mày nở mặt nhưng nếu như chỉ có ngồi mà nghĩ thì cũng chỉ bằng lòng sống cho qua ngày, như vậy thì sẽ không làm được cái gì đâu!”. Câu nói này đã thức tỉnh Hàn Tín, để ông quyết định đi đầu quân.

Sau này, dù không được trọng dụng, nhưng Hàn Tín vẫn ngày ngày đọc binh pháp, phân tích tình hình chiến sự, chủ động tìm gặp Hạng Vũ, chủ động “nhảy việc” qua “công ty” của Lưu Bang. Nếu chỉ mãi ngồi một chỗ bên bờ sông năm ấy, dù tài năng thiên bẩm đến mấy cũng khó thành công được.
Xem thêm: Những lợi ích mang lại khi chủ động trong công việc
Bài học 2: Làm việc có kế hoạch
Đây là một bài học kỹ năng sống quan trọng bạn cần cập nhật ngay.
Sau khi Lưu Bang đọc binh thư Hàn Tín viết, Hán vương đã phong ông làm đại tướng quân, điều này gây nên một trận sóng gió trong quân. Những người đi theo Lưu Bang từ thuở ban đầu, ai cũng muốn ngồi lên vị trí này. Đứng trước những chỉ trích, Hàn Tín dõng dạc đối đáp khiến bọn họ á khẩu.

“Cho ngài đốc sát 10 vạn đại quân, ngài điều phối thế nào?”
“Làm hết năng lực”
“10 vạn đại quân thì cần bao nhiêu bộ binh, bao nhiêu kỵ binh, bao nhiêu binh quân nhu, bao nhiêu binh cung nỏ, mã phu, hỏa phu, y phu, bao nhiêu người làm tiên phong, bao nhiêu người làm hậu bị. Ngài tính toán chưa?”
“… Đương nhiên ta có tính toán rồi…”
“ 20 vạn? 100 vạn thì sao?”
…
– Tư liệu từ bộ phim Tân Hán Sở tranh hùng” –
Và Hàn Tín không hề nói khoác, ông thật sự là chiến thần số một, đã đánh là thắng nhờ kỹ năng phân tích vấn đề và có kế hoạch trong từng trận chiến của mình. Đây một trong những ví dụ cho bài học kỹ năng sống để thành công trong mỗi dự án mình đảm nhận. Khi bạn lập mục tiêu và đề ra những kế hoạch càng cụ thể, bạn sẽ thấy trước những khả năng có thể xảy ra, dù gặp nguy cũng không hoảng loạn.
Bài học 3: Kỹ năng giao tiếp và ứng xử

Con người không ai hoàn hảo, Hàn Tín có tất cả những phẩm chất để thành công nhưng khiếm khuyết ở khoản kỹ năng giao tiếp. Nếu thời kỳ đó mà Đắc nhân tâm đã có mặt thì số phận Hàn Tín đã không bi đát như vậy. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, ông đã làm “mất lòng” rất nhiều người, từ gia đình người anh em kết nghĩa, các tướng sĩ dưới trướng Hạng Vũ, Lưu Bang cho đến Hán Cao Tổ và Lã Hậu.
Khi Lưu Bang hỏi rằng ông có thể chỉ huy được bao nhiêu binh mã đánh trận, Hàn Tín thẳng thừng chê Hán vương không có tài cầm quân. Nếu Hàn Tín lựa chọn một cách trả lời khéo léo hơn, Lưu Bang hẳn sẽ không nghi kỵ ông và nhắm mắt làm ngơ trước những lời vu cáo Hàn Tín mưu phản của những vị quan khác.
Từ xưa đến nay, nhân viên “công cao hơn chủ” luôn là một quả bom trong mắt các “sếp”. Khi giao tiếp với bạn bè, đồng nghiệp, lãnh đạo luôn có một số quy tắc như tôn trọng, giữ thể diện, không chỉ trích gay gắt, không bán đứng nhau,… Đừng nên như Hàn Tín khoản giao tiếp nào cũng dở.
Cuộc đời từ chưa có gì đến thành công rực rỡ đến thất bại và tiếc hận của Hàn Tín và các vĩ nhân lịch sử nói chung là những bài học kỹ năng sống quý báu mà bạn nên tìm hiểu. Khi đọc những giai thoại hấp dẫn này, bạn sẽ dễ tiếp thu hơn so với những lý thuyết sáo rỗng.
Xem review sách kỹ năng nên đọc tại thichsach.com
Lá Đa